“Bước chân qua cánh cổng của “Tinh hoa Việt Nam”, du khách chắn chắn sẽ có cảm giác được sống trong một không gian văn hóa Việt Nam cổ truyền, với những nét hoa độc đáo trong tính cách văn hóa của người Việt, được tinh lọc qua các thời kỳ lịch sử, trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trải hàng ngàn năm của người Việt. Tại đây, các câu hỏi về văn hóa Việt truyền thống đều có thể tìm được câu trả lời thỏa đáng”…
Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái về “Tinh hoa Việt Nam” - một trong ba “siêu chương trình”, đã làm nên “thánh đường giải trí” tại “thành phố không ngủ” Phú Quốc.
Một chuyên gia đầu ngành của Phú Quốc United Center về nghệ thuật sân khấu cũng cho rằng, không cách nào tôn vinh văn hóa truyền thống tốt hơn việc đưa những giá trị đó vào cuộc sống hiện đại, và phải “nghệ thuật hóa”, nhằm thăng hoa các giá trị văn hóa truyền thống, tạo cho chúng “một đời sống thân mật”, để mỗi người hiện đại có thể chủ động hòa mình, trực tiếp trải nghiệm nghệ thuật và từ đó, tự sinh năng lượng sống tích cực từ sự thưởng thức chương trình “Tinh hoa Việt Nam”…
Liên quan đến “Tinh hoa Việt Nam” - những lát cắt tinh hoa nhất của đời sống văn hóa Việt, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái, chuyên gia về văn hóa - nghệ thuật.
- Là một chuyên gia về văn hóa - nghệ thuật, nổi tiếng kỹ tính về nghệ thuật biểu diễn sân khấu, điều gì khiến bà nhận lời cố vấn cho 1 show diễn đậm chất giải trí như “Tinh hoa Việt Nam”?
Bởi vì “Tinh hoa Việt Nam” không chỉ là một chương trình sân khấu thực cảnh chỉ nhằm vào giải trí, nó là một trải nghiệm mang tính tổng thể, một khái niệm mới về làm văn hoá dân tộc. Nó đã đạt hiệu quả nhiều hơn thế. Đúng như cái tên được đặt, “Tinh hoa Việt Nam” là một cuộc trình diễn nghệ thuật về các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, tạo nên tinh hoa văn hóa Viêt, vốn là một nền văn hóa nông nghiệp căn cơ, với ba hằng số “nông dân - nông nghiệp - nông thôn”.
Và “Tinh hoa Việt Nam” được nhà đầu tư, đầu tư tử tế về tiền bạc; về nghệ thuật đã được nhà đạo diễn dàn dựng công phu, hoành tráng và được các nghệ sĩ trình diễn thật ngoạn mục, trong khung cảnh hồn quê cổ truyền, đậm tính ước lệ của ngôi làng Việt, được bao bọc ngàn đời trong lũy tre xanh…
Đó cũng là sứ mệnh văn hóa và nghệ thuật mà “Tinh hoa Việt Nam” đặt ra cho những người sáng tạo nghệ thuật của chương trình này. Và bản thân tôi cũng như PGS.TS. Trần Đức Cường, luôn nghĩ suy và trăn trở, khi nhận lời mời làm cố vấn văn hóa - nghệ thuật cho chương trình “siêu trình diễn” của thành phố không ngủ đầu tiên ở Việt Nam, dành cho khách du lịch trong và ngoài nước. Và phải chăng, đó cũng là công cuộc bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa Việt Nam truyền thống.
Chính ý tưởng và tầm nhìn về một khu giải trí không ngủ đầu tiên ở Việt Nam, có thể mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, với điểm nhấn nghệ thuật là sân khấu trình diễn đã chinh phục, hấp dẫn và thôi thúc tôi phải tham gia.
- Trong bối cảnh các show diễn sân khấu thực cảnh ở Việt Nam hiện nay về văn hóa, lịch sử thường gây nhiều tranh cãi hoặc chưa thu hút khán giả, PGS có lo ngại “Tinh hoa Việt Nam” có thể đi vào “vết xe đổ” đó không?
“Tinh hoa Việt Nam” hoàn toàn khác. Đây không phải là một bảo tàng hay khu trưng bày, nơi chỉ có “xác” mà không có “hồn”, nơi người xem luôn bị cấm không được chạm vào hiện vật. “Tinh hoa Việt Nam” cũng không phải là một vở kịch, kể chỉ một câu chuyện kịch, khó thích hợp với tâm lý của người du lịch, thường muốn nhìn ngắm và trải nghiệm, thưởng ngoạn những vùng đất khác, lối sống khác và nghệ thuật khác… "Tinh hoa Việt Nam" chúng tôi đưa ra một khái niệm mới về làm văn hoá, đề cao tính trải nghiệm, thâm nhập một cách tự nhiên của khán giả, du khách.
Có thể thấy, thành phố Phú Quốc ngày nay trở nên đặc biệt quyến rũ bởi là thành phố không ngủ đầu tiên, với việc hình thành và phát triển “kinh đế đêm” thật đặc sắc. Bởi vậy, chương trình “Tinh hoa Việt Nam” là một tổng thể nghệ thuật diễn ra cả ngày đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm những lát cắt độc đáo nhất về đời sống sinh hoạt văn hóa Việt, được tái hiện khéo léo, sống động và tinh xảo, đủ để mỗi du khách đều có thể trở thành một phần của không gian ấy, từ đó “thẩm thấu” văn hoá truyền thống một cách nhẹ nhàng, chủ động và hơn nữa, cảm động...
Không ngẫu nhiên, Tổng đạo điễn Việt Tú đã tạo lập ước lệ một khu kiến trúc Việt tổng thể, gồm hai khu vực. Khu trung tâm là sân khấu trình diễn, gồm: Sàn diễn hình vuông, trên nền hậu là ngôi nhà Thái học mái cong, lòng sàn diễn chứa một ao nước hình vuông, lấy mẫu ao vuông trong khu lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội để diễn viên trình diễn nhiều đoạn đẹp mắt trong sự chuyển động của hình thể trên sóng nước, được tạo ra bởi hệ thống sân khấu cơ khí vô cùng hiện đại.
Chỗ ngồi của người xem gồm vài trăm ghế, đối diện với ngôi đình, có thể nhìn bao quát toàn thể không gian ước lệ của khối kiến trúc Việt hàm chứa toàn cảnh trình diễn chương trình trung tâm là “Tinh hoa Việt Nam”. Khu bao quanh bên ngoài khu trình diễn là những gian hàng, đại diện cho những làng nghề thủ công Việt Nam, từ làng nghề dệt, gốm sứ, chế tạo con rối, trang phục, thuốc nam, phở, đồ ăn đường phố, aó dài, bánh trái, tranh dân gian, nón đội đầu... Ý đồ về những gian hàng thủ công này được hiển thị rất rõ, khi được đạo diễn tổ chức sắp xếp bao quanh trung tâm là sân khấu trình diễn.
Ý đồ sáng tạo này xuất phát từ cơ sở xã hội nông nghiệp Việt Nam truyền thống, về cấu trúc, vẫn căn bản là làng thuần nông, sau đó mới là làng thủ công, với những phường nghề thủ công nổi tiếng đã tạo lập nên Kẻ Chợ, trước khi có Thăng Long thành, vốn là nơi tấp nập hội tụ buôn bán sản phẩm của các làng nghề thủ công, mà đến tận bây giờ, còn hiển thị trong khu phố cổ Hà Nội 36 phố phường…
Cũng vì thế, cả ngày lẫn đêm, diễn viên không ngừng biểu diễn các cảnh diễn nhỏ, được xâu thành một chuỗi chuyển động, tạo thành dòng chảy đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt truyền thống, và đan xen sống động như nó vẫn không ngừng diễn tiến trong đời sống hằng thường của người Việt, cho đến tận hôm nay.
Đặc biệt, ngôn ngữ thực cảnh chính là chìa khóa để đảm bảo các nội dung này vừa chân thực mà vẫn ước lệ, vừa nghệ thuật nhưng vẫn đậm đầy tính giải trí. Ngay cả việc đặt phân khu “Tinh hoa Việt Nam” rất “Việt” trong cả một quần thể đa sắc màu văn hóa, bên cạnh show “Sắc màu Venice” rất “Tây”, cũng là một dụng ý thông minh, làm nổi bật sự đặc sắc của văn hóa Việt, thuộc vùng văn hóa Phương Đông, bên cạnh vùng văn hóa Phương Tây. Một cách khách quan, tôi cho rằng, đến nay chưa có show diễn nào vượt qua được “Tinh hoa Việt Nam”, về cả phương diện văn hóa và nghệ thuật.
- Theo bà, những nội dung, công trình được tái hiện tại phân khu “Tinh hoa Việt Nam” đã đủ tầm vóc và đã đáp ứng được mục tiêu truyền tải, tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc?
Cái tên “Tinh hoa Việt Nam” đã cho thấy đây là 1 chương trình nghệ thuât thực cảnh đúc kết những gì tinh túy, bản sắc nhất và đẹp nhất của văn hóa Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà khối kiến trúc Việt được chọn làm bối cảnh nền tảng để trình diễn nghệ thuật thực cảnh.
Show diễn cũng không thiếu những hình ảnh hào hùng về Rồng, Tiên, bởi đó là biểu tượng, là mã văn hóa nguồn cội của Việt Nam. Ngoài ra, khán giả cũng sẽ thấy được những nét đặc trưng trong sinh hoạt tinh thần muôn màu sắc của người Việt xưa, không phải ngẫu nhiên mà show diễn tái hiện cảnh làm ruộng, chợ quê, cảnh nấu nướng dân dã của bếp Việt… ngày xưa, bởi nông dân, nông nghiệp và nông thôn chính là 3 hằng số của văn hóa Việt.
Chuyện học hành, thi cử, thăng quan, vinh quy bái tổ cũng được kể một cách rất nghệ thuật... Và hơn nữa, vầng trăng mọc trên trời lơ lửng trên mái cong của ngôi đình Việt, với hình ảnh đẹp của thi pháp chữ Hán, chữ quốc ngữ, tên in hoa chương trình, đã có thể lấy được rung động về tình tự Việt và niềm tự hào về văn hóa Việt Nam, từ phía người thưởng thức.
Đặc biệt nhất là truyền thống đánh giặc, giữ nước oai hùng đã được tái hiện với những màn múa võ, đấu kiếm và tinh thần võ học qua hào khí “Đông A”. Với 4 chương: Nguồn cội - Đời sống - Hành trình đạo học - Ngày hội non sông, “Tinh hoa Việt Nam” đã tái hiện những gì tinh hoa, cốt lõi nhất của văn hóa Việt trong một bức tranh nghệ thuật trình diễn rực rỡ, sống động, thay vì cách “điểm danh” cho đủ, nhưng thiếu hấp dẫn như đã thường thấy.
Ngoài điểm nhấn là show chính mỗi tối, phân khu “Tinh hoa Việt Nam” còn là một không gian Việt đậm đặc, với những gian hàng của làng nghề thủ công truyền thống Việt như: Tiệm gốm Việt, cổ phục quán, tranh Hàng Trống, tiệm Đông y, giảng võ đường, phở Việt… và hàng chục mini show diễn ra liên tục từ sáng đến tối như: Khai trương hồng phát, Võ dũng đường, Đăng quang tiến sĩ, Ân tứ vinh quy, Diễu hành cổ phục...
Bước chân qua cổng “Tinh hoa Việt Nam, như thế, du khách chắn chắn sẽ có cảm giác như sống trong một bộ phim về tiến trình trình lịch sử của văn hóa Việt Nam. Tại đây, các câu hỏi về văn hóa Việt truyền thống đều có thể tìm được câu trả lời thỏa đáng, bằng nghệ thuật…
- PGS đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của công nghệ cho sản phẩm văn hoá? Sự hiện đại của công nghệ liệu có khiến yếu tố nghệ thuật, nguyên bản bị lu mờ?
Ngược lại, chính công nghệ trình diễn hiện đại đã làm nổi bật những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của chương trình “Tinh hoa Việt Nam”. Phương tiện, suy cho cùng, chỉ là công cụ cho mục đích, bởi mục đích hoàn toàn có thể biện hộ cho phương tiện, nhất là khi các phương tiện trên thế giới hôm nay đã trở nên hiện đại hơn bao giờ hết.
Tôi tin rằng, sẽ không có ai phải phàn nàn về “chất” Việt khi bước chân vào không gian “Tinh hoa Việt Nam”. Ngay cả những yếu tố tưởng như là văn hóa ngoại lai, thực chất đều đã được người Việt “tiếp biến”, nghĩa là được “Việt hóa” tử tế, để trở thành một bộ phận của văn hóa Việt.
Một show về văn hóa chỉ thành công khi truyền tải “hồn cốt”, mang bản sắc dân tộc của một nền văn hóa truyền thống, nhưng vẫn phải “hiện đại hóa”, nhằm phục vụ khán giả hôm nay, thuộc mọi lứa tuổi, nhất là người trẻ, chủ thể văn hóa tương lai của đất nước. Không đâu xa, đêm 22/4, nhà tôi 3 thế hệ: Bà - con - cháu, đã cùng cùng ngồi xem “Tinh hoa Việt Nam” một cách thích thú, bởi sự hấp dẫn và ngoạn mục của nghệ thuật trình diễn, trong hào quang của việc xử lý ánh sáng hiện đại và giai điệu truyền thống của âm nhạc dân gian Việt.
- Với sự tiền phong của Phú Quốc United Center và “Tinh hoa Việt Nam”, theo PGS, đây có phải thời cơ để Việt Nam trỗi dậy thành “điểm phải đến” mới của du lịch thế giới?
Chính xác là thế, vừa là thời cơ, vừa là thách thức và khát vọng Việt Nam. Mô hình “thành phố không ngủ” đã giải quyết một vấn đề căn cơ của du lịch Việt Nam. Nhiều khách quốc tế, nhất là khách từ phương Tây, ở những múi giờ lệch hẳn với múi giờ Việt Nam, phàn nàn tại sao họ bỏ tiền du lịch mà lại bị “buộc” phải ngủ, phải ở trong khách sạn, trong khi họ chỉ muốn vui chơi, khám phá và tận hưởng đêm vui ở Việt Nam.
Vì thế, thành phố không ngủ Phú Quốc đã và đang giải được bài toán khó nhất của du lịch Việt Nam hôm nay là bàì toán về “kinh thế đêm”. Tôi nghĩ: Phú Quốc đủ năng lực để giải bằng được bài toán này.
Và tôi hân hoan nghĩ rằng, ở “thành phố không ngủ” Phú Quốc United Center, du khách không những có thể vui chơi thoải mái đến bất kỳ lúc nào họ muốn, mà các giác quan và nhu cầu khám phá, trải nghiệm về cả vật chất lẫn tinh thần đều được thỏa mãn. Có một nơi mà cả khách du lịch Tây và ta đều thích, đều bị quyến rũ như thế, tôi tin chắc Phú Quốc United Center sẽ trở thành bệ phóng để du lịch Việt Nam bùng nổ, thành một “điểm phải đến” mới của du khách toàn cầu.
Đương nhiên, công cuộc tổ chức và vận hành cả một siêu quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hàng đầu Đông Nam Á như thế, các chủ thể Phú Quốc luôn luôn phải xem xét, điều hành nó trong thách thức của sự phát triển và trong sự đối thoại thường xuyên với khách du lịch, nhằm thiết lập một quan hệ bền vững và hài hòa, đồng thuận và đồng bộ giữa điểm du lịch Phú Quốc và người đến du lịch Phú Quốc. Tôi ước ao, hy vọng những điều này, và tin chắc chúng sẽ thành hiện thực ở thành phố không ngủ Phú Quôc.