Ngày pháp luật

Tín dụng tăng hơn 146.500 tỷ đồng trong tháng 10

Nhật Huỳnh

Đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023 và tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nếu so sánh với cuối tháng 9, tín dụng đã tăng 1,08% trong tháng 10, tương ứng tăng hơn 146.500 tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh Quốc hội.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh Quốc hội.

Đối với điều hành lãi suất, tại báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc cho biết, năm 2023, nhà điều hành đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2 điểm %/năm. Từ việc điều chỉnh trên đã định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.

Đối với 10 tháng đầu năm 2024, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên trang thông tin điện tử của TCTD nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Đối với điều hành tăng trưởng tín dụng (TTTD), Thống đốc cho biết, năm 2022, tín dụng tăng trưởng 14,18%; năm 2023 tăng 13,78%.

Đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023 và tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nếu so sánh với cuối tháng 9, tín dụng đã tăng 1,08% trong tháng 10, tương ứng tăng hơn 146.500 tỷ đồng.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Đà tăng hiện tại, theo Thống đốc phù hợp với chỉ tiêu này, đáp ứng nhu cầu vốn, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân còn thấp. Sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa. Trong khi đó, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến nhu cầu tín dụng thấp.

Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN đã chủ động điều chỉnh chỉ tiêu cho từng ngân hàng mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm. Cuối tháng 8, cơ quan quản lý đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đạt 80% chỉ tiêu tín dụng được giao từ đầu năm.

Ngoài ra, NHNN đề nghị các nhà băng tập trung nguồn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế. Việc này nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng và đảm bảo an toàn hệ thống.

Cũng tại báo cáo, NHNN cho biết, trong 10 tháng đầu năm, lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên. Các ngân hàng được yêu cầu tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, công khai mức lãi suất, chênh lệch lãi tiền gửi và cho vay để khách hàng dễ tiếp cận vốn.

Tính đến ngày 20/10, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Nhưng việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn. Nguyên nhân là lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua. Đồng thời, nhu cầu tín dụng gia tăng sẽ tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất.

Không chỉ vậy, sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất của đồng VND trong nước tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất.

NHNN cũng cảnh báo về rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng khi huy động ngắn hạn và cho vay trung và dài hạn. Rủi ro này xảy ra trong bối cảnh việc huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán vẫn gặp khó khăn.

Tin Cùng Chuyên Mục