Lãi suất các đường dây tín dụng đen lên tới 1.600%/năm và các đường dây này vẫn đang lách luật để hoạt động.
Quy mô lớn, lãi suất khủng
"Tôi đi làm bao nhiêu tiền cũng không đủ trả tiền lãi cho 2 trang vay trên mạng", "Mong anh chị cứu tôi thoát khỏi về vay tín dụng đen"... là những dòng nhắn, email của bạn đọc gửi tới Tuổi Trẻ thời gian gần đây.
Đi vay với lãi suất quá cao, được giới thiệu vay tiếp app khác trả nợ, rồi kiệt quệ là tình cảnh chung của rất nhiều người. Cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn cần giải pháp căn cơ, người dân cũng cần tìm hiểu và cảnh giác vì tín dụng đen biến tướng và thay đổi chiêu thức liên tục.
Mới đây, trong tháng 10/2020, Công an quận 3, TP HCM triệt phá băng nhóm cho vay nặng lãi bằng nhiều phương thức, đặc biệt là kiểm soát iCloud điện thoại buộc người vay trả nợ. Bởi iCloud cho phép người dùng lưu trữ gần như tất cả thông tin, dữ liệu cá nhân, tài khoản, tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh, file ghi âm, kể cả vị trí.
Băng nhóm thuê nhà ở quận 3 buôn bán điện thoại, tạo tài khoản lĩnh vực tài chính trên mạng xã hội rồi dụ dỗ người cần tiền bằng thủ tục vay đơn giản. Khi gặp khách hàng, nhóm thường yêu cầu đăng xuất iCloud, đổi iCloud mới, làm hợp đồng ngụy trang bán hoặc thuê điện thoại, sau đó chụp CMND, thẻ căn cước, ảnh người vay rồi lưu hồ sơ quản lý.
Băng nhóm cho vay từ 4-12 triệu đồng, lãi suất hơn 20%, trả trong 50 ngày. Trường hợp khách hàng không trả nợ hoặc dây dưa, nhóm sẽ dùng nhiều cách thu hồi nợ, trong đó có những "chiêu trò" thông qua việc kiểm soát iCloud điện thoại.
Qua kiểm tra, phát hiện hơn 200 người vay với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, chúng thu lợi bất chính vài trăm triệu đồng...
Trước đó, tháng 4/2020 Phòng cảnh sát hình sự Công an TP HCM phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô thông qua app (ứng dụng) do người Trung Quốc cầm đầu, điều tra hơn 40 người. Đường dây có công ty ở quận Bình Tân núp bóng hoạt động, cung cấp các dịch vụ cho vay tiền nhanh thông qua các app trên điện thoại di động với lãi suất rất cao.
Qua điều tra, phát hiện có khoảng 60.000 khách hàng vay nợ các app với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Khách hàng là "con nợ" ở khắp các tỉnh thành tại Việt Nam, chịu lãi suất "cắt cổ" lên đến 1.095%/năm.
Bộ Công an cho biết sau 1 năm Thủ tướng ban hành chỉ thị 12 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, hoạt động tín dụng đen không còn lộng hành, công khai, nhưng các đường dây tín dụng đen vẫn lách luật hoạt động và gây ra nhiều vụ việc phức tạp.
Nhiều đường dây tín dụng đen cho vay nặng lãi truyền thống hoạt động biến tướng, sử dụng các hợp đồng giả cách (hợp đồng các bên thực hiện nhằm che giấu một hợp đồng khác), hợp đồng mua bán, thuê lại tài sản của người đi vay để chiếm đoạt tiền lãi bất chính.
Cho vay trực tuyến phức tạp hơn
Cũng theo Bộ Công an, hoạt động cho vay trực tuyến có sự tham gia của người nước ngoài sử dụng website, ứng dụng điện thoại di động (app) để tiếp cận người vay hoạt động phức tạp hơn. Các đường dây cho vay trực tuyến thường đưa ra quy định biến tướng về lãi suất, thu các khoản phí dịch vụ, nếu cộng cả lãi suất và phí thì lãi vay lên tới 1.600%/năm.
Bên cạnh đó, các đường dây tín dụng đen liên quan tới huy động vốn đa cấp tài chính, chơi tiền ảo hoạt động phức tạp. Trong năm 2019, Công an TP HCM đã khởi tố 2 vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới huy động vốn đa cấp tài chính.
Đó là vụ Công ty CP địa ốc Alibaba vẽ dự án tại một số tỷnh phía Nam, chưa làm thủ tục pháp lý dự án nhưng đã huy động tiền của hàng ngàn khách hàng để chiếm đoạt. Vụ án Công ty CP tư vấn đầu tư Angel Lina (22B Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP HCM, do bà Phạm Thị Tuyết Nhung làm giám đốc) vẽ ra 9 dự án "ma", lừa hơn 200 khách hàng khoảng 285 tỷ đồng.
Sử dụng giải pháp kinh tế, tài chính
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng tín dụng đen xuất phát từ nhu cầu vay vốn của người dân, các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Người dân bình thường cần tiền trang trải nhu cầu hằng ngày, các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể cần vốn kinh doanh; trong khi đó, việc tiếp cận vốn gặp khó khăn, có hệ thống ngân hàng nhưng không dễ để vay nhanh.
Vị luật sư này cho rằng sẽ không có giải pháp khắc phục triệt để tín dụng đen, lâu dài cần sử dụng giải pháp kinh tế, tài chính để thu hẹp tín dụng đen; cần cải tổ hệ thống tài chính, tín dụng ngân hàng để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận kênh tín dụng chính thức dễ dàng.
TS Vũ Đình Ánh cũng khẳng định tín dụng đen xuất phát từ nhu cầu của người dân. Để thu hẹp, phải chặt bỏ các điều kiện để tín dụng đen phát triển. Cần thiết kế lại hệ thống tín dụng chính thức theo nguyên tắc rủi ro lớn, chi phí lớn. Ví dụ các ngân hàng thương mại thường lập ra các công ty tài chính cho vay với lãi suất cao nhưng vẫn thấp hơn tín dụng đen rất nhiều thì cần khuyến khích phát triển.
TS Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao của chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, nhấn mạnh cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về cho vay Fintech và cho vay ngang hàng, để các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp được nhiều dịch vụ cho người dân hơn. Tạo ra một hệ sinh thái kết nối giữa các công ty tài chính tiêu dùng, các ngân hàng, Fintech với các công ty bán lẻ.
Cuối cùng, phải xử lý nghiêm các hành vi lách luật của các công ty tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính nhưng núp bóng hoạt động tín dụng đen.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà (cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an):
Đã giải quyết được độ nóng của tín dụng đen
Đến nay đã giải quyết được độ nóng tín dụng đen thông qua các hình thức quảng cáo, tờ rơi, tin nhắn trên điện thoại di động để khuyến cáo người dân. Chủ trương của bộ là xử lý nghiêm túc, quyết liệt đối với tội phạm tín dụng đen. Với các tổ chức, đường dây tín dụng đen hoạt động xuyên biên giới, bộ đã có cơ chế phối hợp với Interpol và công an các nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức trong đó có tín dụng đen.
Gần 10.400 cơ sở cầm đồ liên quan tín dụng đen
Bộ Công an cho biết cả nước hiện có 27.999 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ với 49.949 người làm nghề, 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê với 1.076 người chuyên đòi nợ thuê. Qua rà soát, lực lượng công an phát hiện có 10.396 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen, trong đó có 536 cơ sở không có giấy phép.
Bên cạnh đó, có khoảng 1.350 cơ sở kinh doanh dịch vụ, hỗ trợ tài chính dưới nhiều hình thức, 3.750 cá nhân cho vay lãi suất cao, 550 cá nhân tham gia hụi, họ, biêu, phường có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen.
Lập tổng đài 456 tiếp nhận tin báo tội phạm tín dụng đen
Bộ Công an cho biết bộ đã lập tổng đài 456 để công an các địa phương tiếp nhận tin báo về tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo liên quan tín dụng đen. Đồng thời, bộ đang phối hợp với các địa phương để rà soát, tổng hợp, thu hồi thuê bao không chính chủ, thuê bao quảng cáo liên quan tín dụng đen.
Bộ Công an cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp đa dạng hóa tín dụng cho vay nhằm hạn chế tín dụng đen, nhất là sau khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng COVID-19.
Một loạt giải pháp được đưa ra như:
Phối hợp với các bộ, ngành phát hiện dấu hiệu vi phạm trong các hoạt động cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng. Quản lý chặt việc cấp mở, quản lý tài khoản ngân hàng, hạn chế các tài khoản ảo, tài khoản không chính chủ sử dụng trong hoạt động tín dụng đen.
Bổ sung văn bản hướng dẫn quy định của Luật đầu tư về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Tăng chế tài xử lý hình sự đối với đường dây tín dụng đen phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp.
Yêu cầu lực lượng chức năng địa phương rà soát, kịp thời ngăn chặn các công ty tài chính, tín dụng, dịch vụ cho vay trực tuyến, vay qua app, các hình thức hụi, họ, biêu, phường, các tổ chức, cá nhân có biểu hiện huy động vốn lãi suất cao, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đầu tư tài chính, tiền ảo.
Link bài gốc