Tim Cook từng nói với các sinh viên rằng: "Tôi khuyên các bạn đừng đi làm vì tiền. Vì bạn sẽ tiêu xài rất nhanh, hoặc bạn sẽ không bao giờ kiếm đủ tiền như mình muốn và mãi mãi không hạnh phúc".
"Bạn phải tìm ra giao điểm giữa 2 thứ. Một là đam mê của mình. Hai là những điều có lợi, phục vụ cho mọi người. Tôi dám nói rằng, nếu bạn chưa tìm được giao điểm này, bạn sẽ không thể hạnh phúc trong cuộc đời".
Tim Cook cũng cho biết ông đề cao những sinh viên từng đi làm thêm hơn là hoạt động tình nguyện. "Có sự khác biệt lớn giữa 'yêu công việc' và 'yêu thích được làm việc'. Tương tự, cũng có lằn ranh phân định giữa 'thích lương thưởng' với 'thích được tạo ra giá trị cho số đông'. Bản thân tôi cảm nhận rất rõ những sự khác biệt ấy".
Tim Cook lấy bản thân mình làm ví dụ. "Tôi rất may mắn được làm trong 1 công ty tuyệt vời, và tôi thấy đầy hứng khởi về sứ mệnh của công ty. Tôi đang đứng tại giao điểm các giá trị của mình".
Tuy nhiên, theo CNBC, không ít người chỉ trích phát biểu của Tim Cook vì đâu phải ai cũng kiếm được tiền từ chuyện mình yêu thích.
Tim Cook tại một cửa hàng Apple - nơi ông được làm việc theo đam mê
Đó là lí do lời khuyên của Cook trở nên ngây thơ một cách cay đắng: Sinh viên (Mỹ) ngày nay phải gánh nợ quá lớn, cuộc sống thì càng lúc càng đắt đỏ... Họ không thể chờ đợi cho đam mê dẫn lối, mà phải lao vào bất kỳ công việc nào mình kiếm được.
Dù có những chỉ trích như trên, lời khuyên "làm việc theo đam mê" cũng không phải lần đầu được nhắc tới. Các tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates khẳng định chính sự tò mò, hiếu kỳ, ham học hỏi theo bản năng đã giúp họ trở nên giàu có. Nhà đầu tư Shark Tank - Daymond John cũng nói rằng đam mê là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công.