TikTok ra mắt ứng dụng bán hàng, tận dụng 1 tỷ người dùng hiện có để làm bệ phóng phát triển

Giang Phạm

Đại diện của TikTok chia sẻ, các thương hiệu trên TikTok luôn cố tìm ra lối đi sáng tạo để kết nối với người dùng, cho phép cộng đồng người dùng khám phá và tương tác với những gì họ yêu thích.

Theo SCMP, ByteDance, công ty mẹ của TikTok mới đây đã ra mắt ứng dụng dành cho người bán hàng trên Tiktok để người bán có thể quản lý các cửa hàng kỹ thuật số. Đây là động thái cho thấy kỳ lân công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh đang đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử nhằm tận dụng sự phổ biến rộng rãi nền tảng video ngắn mình đang sở hữu. 

Ứng dụng mới được phát triển bởi nhóm TikTok có trụ sở tại Singapore, đã được ra mắt vào tuần trước - vào đúng khoảng thời gian người sáng lập ByteDance Zhang Yiming đến thăm nơi này. Trong thời gian gần đây, ByteDance đã phát triển đội ngũ tại Singapore nhằm phục vụ cho việc mở rộng quy mô ra toàn cầu.

TikTok lấn sân thương mại điện tử, tận dụng sự phổ biến rộng rãi nền tảng video ngắn mình đang sở hữu. Ảnh: SCMP
TikTok lấn sân thương mại điện tử, tận dụng sự phổ biến rộng rãi nền tảng video ngắn mình đang sở hữu. Ảnh: SCMP

Trước khi đạt 1 tỷ người dùng hoạt động vào tháng 9, TikTok luôn nỗ lực để tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển. Cụ thể, vào tháng 2, nền tảng này đã cho ra mắt Seller University, một trung tâm đào tạo để hỗ trợ người bán hàng trên mạng xã hội TikTok.

Tới mùa hè, công ty đã hợp tác cùng Shopify, thử nghiệm tính năng TikTok Shopping ở Mỹ, Anh và Canada. Thỏa thuận cho phép người bán thêm lĩnh vực mua sắm vào hồ sơ TikTok và đồng bộ hóa danh mục sản phẩm để tạo cửa hàng nhỏ trên nền tảng video ngắn này.

Theo truyền thông Trung Quốc nhận định, TikTok Seller đang được sử dụng chủ yếu bởi nhiều thương gia ở Đông Nam Á. Mô tả trên Google Play chỉ ra, các tính năng của ứng dụng bao gồm "đăng ký người bán, quản lý sản phẩm, quản lý đơn đặt hàng, quản lý hoàn trả hàng, hoàn tiền, quản lý khuyến mại, dịch vụ khách hàng, phân tích dữ liệu, đăng ký chiến lược và đào tạo người bán". 

"Các thương hiệu trên TikTok đã tìm ra được một lối đi sáng tạo để kết nối với người dùng. TikTok rất vui khi được thử nghiệm các cơ hội mới, cho phép cộng đồng người dùng khám phá và tương tác với những gì họ yêu thích", đại diện TikTok cho biết. 

Có thể nói, thành công của TikTok rất quan trọng với sự phát triển trong tương lai của ByteDance - công ty hiện tạo ra phần lớn doanh thu và lợi nhuận. Đặc biệt khi Bắc Kinh ngày càng siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát đối với Internet và thị trường Trung Quốc dần bão hoà, triển vọng tăng trưởng của ByteDance ở đất nước triệu dân này sẽ dần bị thu hẹp.

Trước khi đạt 1 tỷ người dùng hoạt động vào tháng 9, TikTok luôn nỗ lực để tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển.
Trước khi đạt 1 tỷ người dùng hoạt động vào tháng 9, TikTok luôn nỗ lực để tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển.

Trong một cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp được công bố vào đầu tháng, TikTok được đặt tên là một trong sáu nhóm kinh doanh. Trong khi đó, TikTok Shopping cũng đã mở rộng hơn để bao hàm nhiều đối tác khác như Square, Ecwid và PrestaShop. 

Sau những động thái tương tự của Facebook và Instagram, startup giá trị nhất thế giới ByteDance này  đang nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở cả trong và ngoài nước.

Tại thị trường Trung Quốc, phiên bản nội địa của TikTok có tên Douyin đã cho phép người bán nhúng phần link sản phẩm vào livestream hay video ngắn trong suốt khoảng thời gian 2 - 3 năm qua. Hay như năm ngoái, ByteDance cũng ra mắt ứng dụng Doudian gồm các tính năng tương tự như TikTok Seller. 

Ở thị trường nước ngoài, TikTok đã bắt đầu thử nghiệm các tính năng bán lẻ trực tuyến ở Indonesia và Anh vào đầu năm nay. 

Dự báo năm 2021 từ Adobe Digital Economy Index, ngành thương mại điện tử toàn cầu có thể đạt giá trị 4.200 tỷ USD. Tại Anh, tăng trưởng thương mại điện tử vượt xa Mỹ. Chỉ tính riêng trong quý I/2021, mức chi tiêu cho thị trường này đã đạt 39 tỷ USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đã phần nào giúp đẩy nhanh việc áp dụng thương mại điện tử ở Mỹ. Theo dự đoán từ Adobe Digital Economy Index, thị trường thương mại điện tử tại Mỹ có thể đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm sau.

Tin Cùng Chuyên Mục