Ngày pháp luật

Tiếp tục đóng cửa khẩu giao thương, doanh nghiệp phải làm gì?

Nhật Thu

Chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã quyết định lùi thời gian mở cửa khẩu ít nhất tới cuối tháng 2. Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn, doanh nghiệp cần làm gì trong tình thế này?

Tiếp tục đóng cửa khẩu giao thương, doanh nghiệp phải làm gì? - Ảnh 1
Các cửa khẩu phụ sẽ tiếp tục đóng ít nhất đến hết tháng 2/2020

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, ít nhất là tới cuối tháng 2/2020.

Chính quyền tỉnh Vân Nam hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch nCoV gây ra, nhiều khả năng chính quyền tỉnh Vân Nam cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Như vậy các cửa khẩu phụ, con đường chủ yếu để xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc như Tân Thanh, Na Hình, Bình Nghi (Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai - Vân Nam… sẽ tiếp tục đóng.

Quyết định của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đều đã được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự tính và liên tục cảnh báo trong những ngày qua.

Tuy nhiên, quyết định của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam chỉ ảnh hưởng tới hàng hóa đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân.

Các lô nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch, kể cả thanh long, vẫn được làm thủ tục thông quan bình thường dù tiến độ có phần chậm hơn do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, theo khuyến nghị của 2 Bộ, các doanh nghiệp đã có các biện pháp điều tiết nên lượng thanh long và dưa hấu đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân đã chậm lại đáng kể.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trước quyết định vẫn tiếp tục đóng biên giới, Bộ đã có văn bản đề nghị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam giao thiệp với chính quyền 2 tỉnh để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới.

Nhưng đại diện bộ này cũng nhận định, trước diễn biến phức tạp và dự kiến còn kéo dài của dịch bệnh, khả năng 2 Bên có thể sớm đưa ra những biện pháp hữu hiệu là không nhiều.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có văn bản khuyến nghị đến các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân có biện pháp để điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các biện pháp để gia tăng sản lượng vào thời điểm này.

Với sản lượng đã hoặc sắp thu hoạch, tiếp tục hạn chế đưa hàng lên biên giới trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch; Hoặc liên hệ với chủ hàng để đàm phán chuyển đổi sang hình thức chính ngạch.

Đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức chính ngạch như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc...

Bộ Công Thương cam kết sẽ chỉ đạo các Phòng giấy phép của Bộ tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch.

Tin Cùng Chuyên Mục