Dừng xe trước cửa tiệm tạp hoá trong một con ngõ trên phố Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chị Quỳnh Anh nói vọng vào trong cửa hàng thứ đồ cần mua. Trong chốc lát, trên tay chị đã đầy đủ những đồ cần thiết, nào là chai dầu ăn, gói bột ớt… Dù sống ở nơi được “phủ sóng” bởi nhiều hệ thống siêu thị hiện đại nhưng chỉ cuối tuần, chị Quỳnh Anh mới đến các siêu thị để mua những vật dụng quan trọng cho gia đình, còn nhu yếu phẩm hàng ngày, chị vẫn hay ra chợ hoặc đến tiệm tạp hoá gần nhà.
“Cửa hàng tạp hoá cách nhà tôi khoảng 100m thôi, phải nói là tiện và cái gì cũng có, đôi khi đồ cũng rẻ hơn ở trong siêu thị. Thỉnh thoảng, trong nhà thiếu lon bia hay trẻ con muốn mua bim bim hay bánh, tôi sai bọn nhỏ ra lấy hàng rồi lúc nào tiện qua trả sau. Bà chủ cửa hàng thì rất thoải mái vì là hàng xóm thân thiết hơn 15 năm nay rồi”, chị Quỳnh Anh nói.
Hay tại một đoạn đường trên đường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội), đã có gần 7 cửa hàng tạp hóa bán đủ các thứ tiêu dùng thiết yếu. Mặc dù, ở đầu con phố này cũng có một siêu thị tiện lợi, tuy nhiên, các cửa hàng tạp hóa truyền thống ở đây vẫn được ưa chuộng hơn cả.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Chủ cửa hàng tạp hoá tại ngõ Láng Hạ cho biết, cửa hàng của bà bán đầy đủ các sản phẩm tiêu dùng, từ chiếc bàn chải đánh răng, bánh xà phòng, các loại dầu ăn cho đến các loại thực phẩm thiết yếu khác. Đợt dịch Covid-19, cửa hàng tạp hoá của bà cũng không bị ảnh hưởng nhiều, trung bình, mỗi ngày cửa hàng của bà vẫn có thể thu về từ 1 - 2 triệu đồng.
“Cửa hàng 50m2 này cũng chính là nhà của tôi, vừa không mất tiền thuê nhà hay thuê nhân viên, lời hay lãi của là do mình. Người tiêu dùng lựa chọn bởi vì sự thuận tiện, thân thiện và quen với lối sống, văn hoá. Nhiều khi đồ ăn, thức uống hàng ngày tôi vẫn cho nợ rồi đến cuối tháng có thể thanh toán một thể. Ngày nào cửa hàng cũng tất bật, lúc nào cũng có khách vào khách ra”, bà Hạnh chia sẻ.
Có thể thấy rằng, iệm tạp hoá của bà Hạnh cũng chỉ là một trong hàng triệu cửa hàng tạp hoá nằm trong các con phố, con ngõ nhỏ nằm rải rác trên khắp cả nước. Dù những năm gần đây, sự xuất hiện của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng dày hơn, nhiều siêu thị mini đã “len lỏi” vào trong từng ngõ ngách của các khu dân cư. Song, với những đặc điểm văn hóa rất riêng của mình, các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn đang thu hút được đông đảo người tiêu dùng.
Biết chuyển mình trong thời đại công nghệ
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, TS. Nguyễn Hoài Long - Trưởng bộ môn Bán hàng và Digital Marketing (trường đại học Kinh tế Quốc dân) - nhìn nhận: Một trong những lợi thế quan trọng của tiệm tạp hóa chính là chính là giá cả sản phẩm tới tay người tiêu dùng luôn ở mức rất cạnh tranh. Bởi họ thường không mất chi phí mặt bằng hay các chi phí quản lý, kho bãi, nhân lực…
Bên cạnh đó, các tiệm tạp hoá thường có mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng. Sự trường tồn của những tạp hoá này nó thể hiện ở 5 lợi thế đặc biệt, bao gồm: Sự tiện lợi - Sự phù hợp - Dịch vụ tốt - Bán qua mối quan hệ gần gũi - Chi phí thấp. Những điều này đã giúp kênh bán lẻ truyền thống giữ vững vị trí thượng phong trong lòng người tiêu dùng.
Bên cạnh đó là tính linh hoạt. Bất kỳ cửa hàng bán lẻ nào cũng có thể mọc ra ở ngõ, ngách nhỏ, phù hợp với cơ sở hạ tầng Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam là một văn hoá cộng đồng kết nối và chính những chủ hàng tạp hoá lại là những người hàng xóm thân thiết. Tiệm tạp hoá còn là nơi để chia sẻ về những câu chuyện hàng xóm, láng giềng, chuyện thời sự…
Theo số liệu từ vụ Thị trường trong nước (bộ Công Thương) năm 2019 cho thấy, đã gần 30 năm liên tục phát triển, nhưng đến nay kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được 25% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa.
Tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%) hay Singapore (90%). Điều này cho thấy, cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn có sức sống mãnh liệt, đây là loại hình kinh doanh dường như bất chấp quy luật phát triển của thị trường.
Trao đổi với PV, TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các cửa hàng bán lẻ truyền thống đã có những thay đổi ngoạn mục như tận dụng phương thức thanh toán điện tử để có thể phục vụ nhanh nhất những khách hàng bận rộn, cố gắng tiếp cận xu hướng hiện đại, biết kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất…
“Các nhà bán lẻ truyền thống đã chấp nhận cạnh tranh thay vì sợ hãi trước bán lẻ hiện đại. Họ biết những hạn chế, nhược điểm của mình, hiểu được nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam thời hội nhập để mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng mà kênh bán lẻ hiện đại chưa làm được”, bà Loan đánh giá.
Cũng theo bà Loan, dự báo trong tương lai, thị trường bán lẻ này vẫn tiếp tục sôi động. Tuy nhiên, dù chiếm vị trí “thượng phong” trong ngành bán lẻ tại Việt Nam, nhưng các tiệm tạp hoá truyền thống cần làm quen với thanh toán không dùng tiền mặt, bởi nó sẽ giúp các hộ kinh doanh đa dạng hóa kênh thanh toán và đem lại tiện lợi tối ưu cho người tiêu dùng.