Ngày pháp luật

Tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất hàng hóa: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Lam Hạnh

Tích tụ ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là chính sách đúng, phù hợp quy luật khách quan. Nhưng để chính sách này khả thi. có hiệu quả thực chất thì cần xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, nhà đầu tư, nền kinh tế.

Vai trò “trung gian” của chính quyền

Sau một thời gian dài, kể cả khi đã có Nghị định 61/2010/NĐ-CP khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, thì theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến năm 2014, số doanh nghiệp (DN) trong nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ đạt 1% trong tổng số DN của cả nước và hầu hết các DN trong lĩnh vực này đều có quy mô vốn nhỏ hơn 5 tỷ đồng.

Sở dĩ DN không mặn mà trong việc đầu tư vào nông nghiệp là do có nhiều trở ngại như rủi ro cao, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu, thời gian thuê đất ngắn, ruộng đất của nông hộ có quy mô nhỏ và phân tán, khó đầu tư sản xuất tập trung.

Tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất hàng hóa: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Gần đây, có nhiều DN có tiềm lực tài chính đầu tư vào nông nghiệp. Nông nghiệp không những chỉ thu hút các DN trong nước mà ở một số địa phương đã có những DN nước ngoài đầu tư.

Trong khi chưa có những quy định chính thức từ Trung ương, một số mô hình tích tụ ruộng đất đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương.

Ví dụ ở Hà Nam, tại những nơi hoạt động sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, đất đai manh mún hoặc bị bỏ hoang, trên cơ sở nhân dân tự nguyện, chính quyền đã chủ động ký hợp đồng thuê lại đất của nông dân; sau đó ký hợp đồng cho DN thuê lại đất đó trong dài hạn.

Như vậy, quyền sử dụng đất vẫn là của nông dân, nông dân chỉ chuyển quyền sử dụng trong thời gian nhất định cho DN. Mô hình này đã triển khai ở một số địa phương như: các xã Nhân Khang, Xuân Khuê, Nhân Bình (huyện Lý Nhân); xã Liêm Tiết, Phù Vân (TP Phủ Lý).

Thông qua vai trò “trung gian” tích cực của chính quyền địa phương, các DN có thể thu gom được một diện tích đất nông nghiệp lớn để tiến hành sản xuất, kinh doanh mà tự mình họ khó có thể làm. Hiện, VinEco có 3.000ha đất sản xuất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Chính quyền cho DN thuê lại đất của dân có trái luật?

Hiện, DN (chủ yếu là các DN lớn hoặc tương đối lớn) tích tụ, tập trung ruộng đất, thông qua: thuê lại đất nông nghiệp của nông dân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nông dân; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của nông dân; thuê đất của địa phương hoặc nông lâm trường quốc doanh cũ. Đây là hình thức đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý và tranh luận với các quan điểm khác nhau.

Rào cản đối với quá trình này là các quy định pháp lý, các thủ tục và cơ chế chính sách có liên quan (ví dụ: chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng, thế chấp tài sản trên đất đi thuê, phân cấp phân quyền…) còn thiếu vắng hoặc chưa phù hợp và phức tạp.

Thái Bình là một trong những địa phương đã thực hiện thí điểm tích tụ, tập trung đất đai ngay từ khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Bà Khổng Thị Thịnh - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cho biết, do chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp nên hầu hết làm theo ý kiến chủ quan của mỗi địa phương.

Hầu hết các mô hình tích tụ chưa đảm bảo thủ tục về đất đai, các bên chỉ thực hiện theo thỏa thuận giữa người thuê, mua hoặc mượn với những người có ruộng đất và chủ yếu là người địa phương thuê đất của nhân dân địa phương.

Theo một số chuyên gia pháp luật, thực tế cho thấy việc chính quyền đứng ra thuê đất của người dân rồi cho DN thuê lại trên 20 năm là chưa phù hợp với quy định pháp luật và có nhiều rủi ro.

Theo Bộ luật Dân sự 2015 và các bộ luật dân sự trước đó, việc ký kết hợp đồng thuê đất chỉ diễn ra giữa các bên có các tổ chức đăng ký theo luật như thể nhân, pháp nhân. UBND các cấp không phải là pháp nhân hay thể nhân trong ký kết hợp đồng thuê đất.

Mặt khác, luật pháp nghiêm cấm dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh nên chính quyền các cấp đứng ra thuê đất của dân là sai luật chứ không phải là cách làm sáng tạo.

“Cả nước có 10 triệu hộ nông dân, với 70 triệu mảnh đất nông nghiệp, diện tích hơn 27 triệu ha. Diện tích bình quân hộ nông nghiệp đạt khoảng 0,46ha. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân hiện đang quản lý, sử dụng 15 triệu ha; tổ chức kinh tế đang sử dụng hơn 2,7 triệu ha và các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sử dụng hơn 45 nghìn ha, chiếm 0,14% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước và chiếm 0,17% tổng diện tích đất nông nghiệp đang được sử dụng. Trong số đất nông nghiệp đã chuyển nhượng có 29% thực hiện trước năm 1994, 41% giai đoạn 1994 - 2003, 30% trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay”.

Tin Cùng Chuyên Mục