Chuyên mua những quán cafe “chết” với giá rẻ, đánh vào mong muốn học tiếng Anh của nhiều người
Chuỗi Talk Café 100% English là mô hình khởi nghiệp của nhà sáng lập Minh Quyền. Anh đến Shark Tank Việt Nam cùng lời mời đầu tư 2 tỷ đổi lấy 20% cổ phần.
Theo Minh Quyền, điểm nhấn đặc biệt của chuỗi nằm ở việc kết hợp mô hình café phục vụ từ sáng đến chiều và mô hình dạy tiếng Anh vào buổi tối. Mỗi lớp 5 người, dành cho các bạn có độ tuổi từ 18-40. Học phí tại đây được tính dựa trên sự chuyên cần của học viên và chia theo từng buổi với lịch học linh động.Nếu học nhiều thì học phí rẻ hơn học ít.
Talk Café hiện đang có hai chi nhánh. Chi nhánh đầu tiên hoạt động được 6 tháng với doanh thu 105 triệu/tháng (gồm 35 triệu đến từ café và 75 triệu đến từ tiếng Anh), lợi nhuận sau khấu hao là 15 triệu. Chi nhánh thứ 2 mới hoạt động được 2 tháng, hiện đang lỗ 5 triệu tiền mặt và 10 triệu tiền khấu hao, nhà sáng lập cho biết.
Mặc dù nhận thấy mô hình rất tiềm năng nhưng các nhà đầu tư không khỏi quan ngại về việc thiếu đi rào cản đặc biệt. Thêm nữa, việc mở rộng thêm nhiều chi nhánh cũng đưa nhà sáng lập đến với bài toán đảm bảo chất lượng đồng đều và nguồn cung giáo viên.
Hiểu rõ quan ngại này, Minh Quyền tự tin khẳng định hiện tại không có mô hình dạy tiếng Anh nào có thể đưa ra mức giá 50-60 nghìn đồng/buổi. Hầu hết, các trung tâm ngoại ngữ đều phải thuê mặt bằng lớn, trong khi đó Minh Quyền đang thuê lại các quán “café chết” với mức giá chỉ từ 6 triệu/tháng.
Ngoài ra, Talk Café 100% English còn cho phép học viên tự chọn lịch học, điều mà các trung tâm Anh ngữ khác hiện đang chưa thể đáp ứng. Về vấn đề nguồn cung giáo viên, nhà sáng lập cho biết sẽ ký kết các hợp đồng với khoa ngoại ngữ của các trường đại học lớn để đảm bảo đầu vào.
Đúng khẩu vị của ông chủ Apax English Nguyễn Ngọc Thủy
Từng đầu tư vào một nền tảng dạy tiếng Anh online, Shark Dzung Nguyễn cho rằng vấn đề còn nằm ở việc tuyển học viên. Giải đáp thắc mắc này, Minh Quyền đưa ra phương án cân bằng lợi nhuận từ việc phục vụ cà phê. Startup tham vọng nếu có khả năng anh sẽ sẵn sàng chơi một cuộc chơi lớn hơn là đặt các hệ thống Talk Cafe tại 450 trường đại học và cao đẳng trên cả nước.
Nhận thấy đam mê của startup và thích thú trước cách nhà sáng lập giải quyết các vấn đề về thị trường, Shark Linh đưa ra lời đề nghị đầu tư 2 tỷ cho 30% cổ phần. Trong đó, Shark sẽ giải ngân trước 1 tỷ, sau khi startup đạt KPI, shark sẽ đầu tư tiếp 1 tỷ còn lại.
Đánh giá startup rất có tư duy hệ thống, tuy nhiên, mô hình giáo dục lại trái với hệ sinh thái kinh doanh của mình, do vậy Shark Phú và Shark Hưng quyết định từ chối đầu tư. Shark Dzung cũng đưa ra quyết định rút lui.
Là “ông lớn” dẫn đầu trong mảng đào tạo tiếng Anh, chủ tịch Apax Leaders quyết định đầu tư, ông nói: “Anh thích sự thông minh của em. Anh sẽ định giá em cao hơn, anh đưa ra lời đề nghị 5 tỷ cho 51%”. Nâng định giá công ty lên 10 tỷ cao hơn so với mức định giá gần 7 tỷ của Shark Linh.
Shark Linh chiêu dụ Minh Quyền bằng cách đưa ra phương án startup có thể nhận rót vốn từ quỹ VinaCapital trước, sau khi phát triển công ty lên một mức độ nhất định, startup có thể đi chào mời đầu tư với phía Shark Thủy.
Một là nhập cuộc với Apax, hai là trở thành đối thủ của Apax
Tuy nhiên, chủ tịch Apax Leaders đưa ra hai lưa chọn cho Minh Quyền, một là nhập cuộc hai là đối thủ đối đầu. Bởi hiện tại Shark Thủy đã có các trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại Biên Hòa và việc tạo ra một sản phẩm nhắm đến phân khúc giá rẻ như Talk Café là không xa.
Kiên quyết giữ tỷ lệ cổ phần cao hơn, founder đàm phán với mức giá 5 tỷ đổi lấy 45%.
“Thứ nhất anh cần một định giá chuẩn. Thứ hai, với 2 tỷ không được làm gì cả và em có thể chết giữa đường. Tham gia với bên anh, có nhiều thứ em không cần phải đàm phán, tiết kiệm được thời gian, nhân công. 5 tỷ đủ để em đi đến một ngưỡng và không cần lo gọi vốn nữa...Anh đã ra thêm 3 tỷ nghĩa là rủi ro của anh gấp hơn 150%... 50 cơ sở khác với 1 cơ sở. Lúc đấy, khâu trung gian, quản lý sẽ ăn vào chi phí của em. Anh khẳng định 2 tỷ là con số quá màu hồng và không giải quyết được vấn đề gì cả”, Shark Thủy lập luận.
Nhà sáng lập chia sẻ việc gọi 2 tỷ thực chất là để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư và cũng là cách đôi bên lấy niềm tin với nhau trước. Theo cảm tính, startup vẫn cảm thấy thoải mái với mức đề nghị của Shark Linh hơn.
Minh Quyền đề nghị Shark Thủy nên cân nhắc lại tỷ lệ cổ phần, cho startup là người quyết định. 5 tỷ đổi lấy 45%, giải ngân theo tiến độ Shark đưa KPI startup thực hiện hoặc startup cam kết trong vòng 2 năm đầu tiên không lấy lợi nhuận để hoàn vốn cho nhà đầu tư. Sau đó, Shark có thể tiếp tục giải ngân.
Bằng cách dẫn dắt thuyết phục, thông minh, Minh Quyền đã thuyết phục Shark Thủy chốt hạ 5 tỷ cho 45% cổ phần công ty.