Trong vài thập kỷ qua, Microsoft đã trở thành một trong những công ty công nghệ tiên phong, bất chấp việc họ mắc nhiều sai lầm và bỏ lỡ nhiều xu hướng công nghệ quan trọng.
Nhiều người cho rằng điều này làm nên giá trị của Microsoft - khả năng tồn tại và tái sinh mạnh mẽ. Một số khác lại cho rằng tập đoàn do Bill Gates sáng lập là minh chứng đau buồn cho việc đánh đổ một công ty độc quyền khó như thế nào.
Trong năm 2021, nhiều gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Google,... đối mặt với hàng loạt vụ kiện chống độc quyền hay chính sách kiểm soát gắt gao hơn từ các quốc gia. Nhiều khả năng Microsoft cũng không tránh khỏi xu hướng tương tự trong tương lai. Mặc dù vậy nhiều chuyên gia cho rằng những chính sách trên khó có thể khiến Microsoft nao núng.
Công ty công nghệ Mỹ từng trải qua giai đoạn 2000 - 2014 khó khăn hơn nhiều. Các đối thủ mới như Apple xuất hiện khiến Microsoft không còn giữ vị trí độc tôn. Công ty cũng thất bại trong việc tạo ra một công cụ tìm kiếm đủ tốt để cạnh tranh với Google. Không dừng lại ở đó, hệ điều hành Windows cho di động bị Android hay iOS bỏ xa, khiến họ không thể chiếm lĩnh thị phần trong ngành smartphone.
Tận dụng những sản phẩm cần thiết sẵn có
Thế nhưng ngay cả trong những ngày đen tối nhất, Microsoft vẫn kiếm được rất nhiều tiền. Thời điểm năm 2013 khi CEO Steve Ballmer nghỉ hưu, công ty đã tạo ra lợi nhuận trước thuế lên tới 27 tỷ USD - cao hơn nhiều so với mức 22,9 tỷ USD mà Amazon đạt được vào năm 2020.
Một sự thật khó chối bỏ là bất chấp việc các sản phẩm do Microsoft phát triển thường xuyên gặp lỗi, người tiêu dùng vẫn đổ xô mua bởi họ gần như không có lựa chọn thay thế. Microsoft tận dụng rất tốt các sản phẩm cần thiết - như hệ điều hành Windows để làm đòn bẩy cho các ngành kinh doanh mới điện toán đám mây.
The New York Times đánh giá việc đầu tư vào công nghệ đám mây là một trong những lần hiếm hoi Microsoft đi đúng hướng trong 15 năm qua, là yếu tố quan trọng giúp Microsoft đứng vững dù mắc nhiều sai lầm.
Không cần thiết phải trở thành người giỏi nhất
Microsoft tỏ ra linh hoạt hơn so với các đối thủ cùng ngành. Họ sớm xác định mục tiêu khách hàng là doanh nghiệp lớn thay vì cá nhân. Có nhiều thời điểm Microsoft không cung cấp công nghệ tốt nhất nhưng vẫn giành chiến thắng trước các đối thủ.
Điều gì khiến Microsoft vẫn duy trì được lượng khách hàng ngay cả khi họ hụt hơi trong cuộc đua phát triển công nghệ mới? Phải chăng họ đã lớn mạnh đến mức bất khả chiến bại và liệu các công ty công nghệ độc quyền như Facebook hay Google có xu hướng phát triển giống Microsoft hay không?
Không ai có thể đủ chắc chắn để trả lời câu hỏi trên. Quy mô lớn không đủ để đảm bảo cho một công ty luôn tồn tại dù mắc nhiều sai lầm. Với trường hợp của những gã khổng lồ công nghệ như Google, Amazon hay Facebook, có thể họ đã tạo ra những sản phẩm quá tuyệt vời trong quá khứ. Hoặc đơn giản vì người tiêu dùng cảm thấy sản phẩm của họ đã đủ tốt và chưa cần thiết tìm đến lựa chọn thay thế.