Ngày pháp luật

Thương vụ Grab "thâu tóm" Uber: Khả năng dùng Luật mới để xử?

Theo Vũ Hoà/Tri Thức Trẻ

Vụ việc đang được điều tra và áp dụng theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004. Tuy nhiên, nếu vụ việc bị kéo dài sang đến năm sau, câu chuyện có thể đi theo chiều hướng khác.

Thương vụ Grab

Theo bà Trần Phương Lan, Phòng Kiểm soát Tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cơ quan chức năng vẫn đang điều tra vụ việc Grab thâu tóm Uber có dấu hiệu vi phạm quy định tập trung kinh tế hay không.

Thời gian điều tra chính thức là 180 ngày, bắt đầu từ ngày 18/5/2018 nên phải đến 18/11/2018 mới kết thúc.

Bà Lan cho biết sau khi kết thúc điều tra chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ, báo cáo và kết luận vụ việc lên Hội đồng cạnh tranh để xử lý.

Vụ việc, theo quy định hiện hành, đang được điều tra và áp dụng xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004. Tuy nhiên, nếu đến ngày 1/7/2019, khi Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, vụ việc vẫn chưa kết thúc thì có thể thương vụ này sẽ được áp dụng theo Luật mới.

Bà Lan cho biết theo Điều 118 quy định về chuyển tiếp vụ việc thì việc Grab thâu tóm Uber sẽ được tiếp tục xem xét theo hai trường hợp.

Trường hợp 1, nếu hành vi đang bị xử lý không vi phạm Luật Cạnh tranh 2018 thì sẽ được đình chỉ điều tra, xử lý.

Còn ở trường hợp 2, nếu hành vi đang bị điều tra nói trên vẫn bị xác định là vi phạm Luật Cạnh tranh 2018 thì sẽ tiếp tục bị điều tra theo Luật mới.

Theo cơ quan làm luật, giữa Luật Cạnh tranh 2004 và Luật Cạnh tranh 2018 có sự khác biệt rõ ràng liên quan tới câu chuyện tập trung kinh tế và thống lĩnh thị trường.

Ông Phùng Văn Thành, Phòng điều tra hành vi vi phạm hạn chế cạnh tranh, thông tin rằng quy định của Luật Cạnh tranh 2004 nêu rõ doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên thì được coi là thống lĩnh thị trường hay có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể, không kể doanh nghiệp sáp nhập, nhóm doanh nghiệp chiếm thị phần lớn hay nhỏ.

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh 2018 lại nhìn nhận sự kết hợp tạo nên thị phần trên 30% cũng chưa chắc đã vi phạm nếu doanh nghiệp thống lĩnh không gây tác động hoặc tác động không đáng kể đối với thị trường.

Như vậy, Luật mới không cấm các doanh nghiệp tạo nên thị phần thống lĩnh với điều kiện không gây tác động bất lợi tới thị trường, không làm thay đổi cấu trúc trường, ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh, người tiêu dùng.

Đối với trường hợp vượt ngưỡng quy định và có khả năng gây ra tác động đối với thị trường thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Đơn vị được lập ra cùng với việc thực thi Luật Cạnh tranh 2018, sẽ đánh giá tác động để tùy trường hợp mà đưa ra biện pháp xử lý.

Tin Cùng Chuyên Mục