Ngày pháp luật

Thương hiệu Phở 24: Đưa tô phở truyền thống vào nhà hàng sang và cú 'bán mình' do gặp khó khăn tài chính

Linh Anh

Từng mong muốn nâng tầm Phở 24 thành thương hiệu thế giới, nhưng nhà sáng lập Lý Quí Trung phải quyết định bán thương hiệu này với giá 20 triệu USD.

Business World mới đây đưa tin, "ông lớn" ngành đồ ăn nhanh Jollibee của Philippines đã bán lại chuỗi Phở 24 cho East-West Restaurant Concepts để tập trung phát triển các mảng kinh doanh mới, đồng thời quyết định chấm dứt thỏa thuận nhượng quyền Phở 24 tại Phillipines.

Qua tìm hiểu, East - West Restaurants Concepts là công ty được thành lập từ tháng 2/2023, có trụ sở tại TP. HCM. Người đại diện pháp luật của công ty là ông Thái Phi Đán - một trong hai anh em sáng lập thương hiệu Highlands Coffee và Phở 24. 

Trước khi bị bán lại, chuỗi thương hiệu Phở 24 từng là "ngôi sao sáng" trong thị trường F&B ở Việt Nam.

Đưa tô phở từ quán truyền thống vào phòng máy lạnh

Ngược dòng quá khứ, tháng 6/2003, thương hiệu Phở 24 được thành lập bởi ông Lý Quí Trung chuyên kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực cao cấp.

Từ cửa hàng đầu tiên mở ở số 5 Nguyễn Thiệp, quận 1, TP HCM, Phở 24 trở thành thương hiệu "đầu tàu" đưa tô phở từ quán truyền thống vào phòng máy lạnh. 

Gọi là Phở 24 vì món ăn này hòa quyện từ 24 thứ nguyên liệu, chắt lọc tinh tế từ khẩu vị 3 miền. Ngoài ra, cái tên này tượng trưng cho 24h trong một ngày, thể hiện mong muốn của nhà sáng lập là đem thương hiệu phở Việt đi khắp các quốc gia trên thế giới và sẽ không bao giờ đóng cửa.

Thương hiệu Phở 24: Đưa tô phở truyền thống vào nhà hàng sang và cú 'bán mình' do gặp khó khăn tài chính - Ảnh 1

Với vai trò tiên phong trong việc nâng tầm món phở truyền thống thành món ăn nhà hàng sang trọng, Phở 24 nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khách hàng. Liên tiếp các cửa hàng mới được khai trương ở Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang… theo hình thức nhượng quyền, đưa Phở 24 thành chuỗi phở lớn nhất nhì Việt Nam.

Không chỉ giới hạn ở thị trường trong nước, những năm sau đó, các tiệm Phở 24 nhượng quyền nối tiếp nhau khai trương tại các thành phố lớn của Đông Nam Á, rồi đến Hàn Quốc, Australia và Nhật Bản. Đã có lúc tổng số cửa hàng cả trong và ngoài nước vượt qua con số 70.

Ông Trung không che giấu tham vọng muốn “trở thành người đầu tiên phát triển trên mạng lưới toàn cầu cho chuỗi cửa hàng phở”, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản.

Song song với việc bành trướng hệ thống sẽ đi kèm thách thức làm sao giữ được chất lượng đồng bộ. Bởi nhà sáng lập Phở 24 luôn hướng đến là sự tiện nghi, tính đồng bộ. 

Tuy nhiên chính bởi mở rộng chi nhánh trong khi quản lý hệ thống chưa tốt, cộng thêm khó khăn về mặt tài chính nên một số cửa hàng rơi vào tình trạng phải đóng cửa. Bên cạnh đó, Phở 24 cũng bộc lộ rõ những điểm yếu của hệ thống nhượng quyền. Một số cửa hàng nhượng quyền cắt giảm chi tiêu nên tự ý phá vỡ cấu trúc kinh doanh như cắt bớt khẩu phần ăn, không bật máy lạnh... gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu. 

"Bán mình" cho thương hiệu Highlands Coffee 

Tham vọng phát triển mạnh thương hiệu ra quốc tế, nhưng Phở 24 gặp vấn đề về tài chính.

Chẳng còn lựa chọn nào khác, tháng 11/2011, Phở 24 "bán mình" cho Công ty Viet Thai International, đơn vị sở hữu thương hiệu Highlands Coffee, với giá 20 triệu USD. Không lâu sau đó, Viet Thai International bán 50% cổ phần Phở 24 cho Tập đoàn Jollibee đến từ Phillipines với giá 25 triệu USD. Năm 2017, Jollibee Group mua thêm 10% cổ phần của SuperFoods, nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%.

Ông Lý Quí Trung - nhà sáng lập thương hiệu Phở 24.
Ông Lý Quí Trung - nhà sáng lập thương hiệu Phở 24.

Ông Lý Quí Trung từng chia sẻ trong cuốn tự truyện, tài chính là vấn đề lớn nhất khiến ông quyết định bán “đứa con tinh thần” của mình. Theo ông Trung, để nâng cấp hệ thống cửa hàng, đẩy mạnh quảng bá cũng như đầu tư vào nhiều dự án tại thị trường quốc tế, công ty cần rất nhiều tiền.

Trong khi đó, bản thân ông Trung theo trường phái tránh vay vốn ngân hàng khi kinh doanh. Vốn thiếu, Phở 24 lại “rơi” vào đúng thời điểm sắp thoái vốn của Quỹ đầu tư VinaCapital. Theo thông lệ, các quỹ đầu tư thường thoái vốn tại công ty liên kết sau 5 năm rót vốn.

Những nguyên nhân khác có thể kể đến chính là lỗ hổng quản trị hệ thống và Phở 24 gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu đồ ăn nhanh có tiếng ồ ạt đổ vào Việt Nam như KFC, Lotte…

Trái ngược với thời huy hoàng, ở thời điểm hiện tại chuỗi Phở 24 dần thu hẹp quy mô. Theo thông tin trên website của Phở 24, chuỗi nhà hàng này chỉ còn 14 cửa hàng, trong đó có 13 cửa hàng mở ở TP HCM và 1 cửa hàng ở sân bay Đà Nẵng.

Tin Cùng Chuyên Mục