Ngày pháp luật

Thương hiệu Jetstar Pacific sắp xoá sổ

Hiếu Nguyễn

(Doanhnhan.vn) - Theo kế hoạch mới, Vietnam Airlines sẽ nắm giữ tới 98% cổ phần của thương hiệu chuyển đổi.

Sau 29 năm kể từ thời điểm được thành lập, hãng hàng không Jetstar Pacific chuẩn bị tái cơ cấu, đổi tên thành Pacific Airlines. Đây là thông tin được lãnh đạo Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Australia) xác nhận trong thông cáo báo chí phát đi hôm 15/6.

Cùng với việc đổi tên thương hiệu, Jetstar Pacific sẽ thay đổi logo và  bộ nhận diện thương hiệu theo cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines. Pacific Airlines cũng sẽ chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitaire sang Sabre - hệ thống Vietnam Airlines đang vận hành, để đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines. Thời điểm ấn định để Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới Pacific Airlines dựa theo quyết định của nhà chức trách.

Theo các bên liên quan, động thái trên nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa, tăng cường hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, vững vàng tiến vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19..

Thương hiệu Jetstar Pacific sắp xoá sổ - Ảnh 1
Thương hiệu Jetstar Pacific bị xóa sổ khi cổ đông Australia thoái phần lớn vốn do ảnh hưởng của Covid-19.

Nói về việc tái cơ cấu Jetstar Pacific, ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết các hãng hàng không chi phí thấp đóng vai trò nhất định trong quá trình phục hồi ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung. Riêng tại Việt Nam, năm 2019, tổng số lượng khách khoảng 72 triệu lượt, trong đó hàng không giá rẻ đóng góp khoảng 36%.

Cũng theo ông Quang, năm 2018 - 2019 Jetstar đã không còn lỗ, thậm chí đã lãi khoảng 30 - 50 tỷ đồng. “Tháng 1/2020 lãi 150 tỷ đồng, nếu không có dịch thì Jetstar thậm chí còn lãi nhiều hơn. Hậu Covid-19, hãng có thể lỗ tới 1.200 tỷ đồng”, vị này cho hay.

Trên thực tế, dù phát triển theo hướng hàng không giá rẻ từ lâu nhưng Jetstar Pacific vẫn mãi chưa bứt phá lên được. Cả hai cổ đông chính của hãng này đã ngồi lại với nhau nhiều lần để tìm ra lời giải.

Theo đó, việc hợp tác cùng Qantas sau nhiều năm chưa tạo được hiệu quả vì những khác biệt trong văn hoá, quan điểm làm việc, đặc biệt là khi cơ chế điều hành của Jetstar phụ thuộc quá nhiều vào Qantas vì hệ thống quan nhất – đặt vé lại đặt ở Melbourne (Australia), xa rời thị trường nội địa vốn là nhóm khách hàng quan trọng bậc nhất với một hàng hàng không giá rẻ.

"Họ không hiểu được nhịp thở thị trường tại Việt Nam, mà thị trường nội địa rất quan trọng với Jetstar", Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận xét. Vì những lý do trên, sau quá trình thảo luận, cả Qantas và VNA nhận thấy việc tái cơ cấu cổ đông lúc này là thích hợp.

"Qantas sẵn sàng rút và để cho Vietnam Airlines nắm giữ cổ phần chính. Vietnam Airlines chiếm khoảng 98% cổ phần của Jetstar. Chúng tôi có cơ hội tái cơ cấu như mình mong muốn" , ông Quang phát biểu.

Jetstar hiện có 18 tàu bay. Sắp tới, hãng này sẽ cần tới 30 - 40 tàu để phục vụ các kế hoạch phát triển của mình.

Tin Cùng Chuyên Mục