Với cương vị nước chủ nhà nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng, đây sẽ là cơ hội tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam, giúp Việt Nam gia tăng vị thế của mình trên trường quốc tế cả về mặt chính trị và kinh tế. Trước kia phải quảng cáo khắp nơi trên thế giới, nay tự nhiên có hàng ngàn báo chí phóng viên trên thế giới tìm đến. Cơ hội này giống như trúng số độc đắc, bỏ ra 10 nghìn trúng hàng chục nghìn tỷ.
Trao đổi với Dân Việt, Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng, việc hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, điều đó thể hiện cam kết chính trị rất cao và họ muốn đi tới những bước mang tính chất đột phá mà các thời Tổng thống Mỹ trước ông Trump cũng như thời của ông nội và bố của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un là ông Kim Nhật Thành chưa từng có.
Có rất nhiều lý do khiến ông Donald Trump và Kim Jong Un lựa chọn Việt Nam là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Thứ nhất, xét về phía Mỹ, sau hơn 20 năm bình thường hoá quan hệ, đến nay hai bên là đối tác toàn diện. Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay, tất cả các đời Tổng thống Mỹ đều sang thăm Việt Nam. Về kinh tế, giữa Việt Nam và Mỹ có hợp tác kinh tế song phương. Trong những năm gần đây mối quan hệ này cũng đã đạt những hiệu quả.
Chưa kể, Mỹ phía Bắc đã có Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác, đồng minh lớn. Phía Nam có Newzeland và Úc. Chỉ còn ở giữa thì Việt Nam là mạnh nhất. Vậy không có lý gì Mỹ không chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này.
Về phía Triều Tiên, Việt Nam và Triều Tiên là mối quan hệ thân tình, truyền thống. Triều Tiên trước đây giúp Việt Nam nhiều trong chiến tranh (như thực phẩm, thuốc men, phân bón, sắt thép...), sau này Triều Tiên khó khăn, Việt Nam cũng ra tay hỗ trợ. Như vậy, đối với Mỹ hay Triều Tiên, Việt Nam đều có mối quan hệ tốt.
Thứ hai, theo dòng lịch sử Việt Nam, từ đất nước bị chiến tranh tàn phá, đói nghèo, lạc hậu, giờ chúng ta chuyển mình mạnh mẽ, đổi mới hội nhập quốc tế, kinh tế phát triển, vị thế quốc tế được nâng lên.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã tham gia không ít sự kiện lớn mang tầm cỡ khu vực, tổ chức thành công các sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc tế như APEC chẳng hạn. Xét về tổng thể, Việt Nam đã được khen ngợi vì tổ chức thành công APEC 2017 và chính điều này có vẻ đã gây ấn tượng trước Tổng thống Trump.
Lý do thứ 3 phải kể đến đó là vấn đề an ninh, theo GS Hà Tôn Vinh, không có quốc gia nào an ninh tốt như Việt Nam.
Đó là những nhân tố quan trọng để thủ đô Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 27-28.2 tới đây.
Với cương vị nước chủ nhà nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Vinh cho rằng, đây sẽ là cơ hội tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam, giúp Việt Nam gia tăng vị thế của mình trên trường quốc tế cả về mặt chính trị và kinh tế.
Cuộc gặp của nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un được thế giới dành sự quan tâm đặc biệt. (ảnh IT).
“Mình không cần phải làm gì hết, tự nhiên uy tín của mình lên “đùng đùng”. Như vậy thì rõ ràng đây là cơ hội rất tốt. Trước kia phải quảng cáo khắp nơi trên thế giới, nay tự nhiên có hàng ngàn báo chí phóng viên trên thế giới tìm đến. Cơ hội này giống như trống số độc đắc, bỏ ta 10 nghìn trúng mấy chục tỷ nghìn tỷ”, ông Hà Tôn Vinh nhấn mạnh.
“Đây sẽ là cơ hội rất tốt để nhà đầu tư thế giới tìm đến, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư nào còn băn khoăn về Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội tốt nhất để họ đưa ra quyết định đầu tư. Hòa bình thế giới có nước nào còn trục trặc đưa về Việt Nam giải quyêt tại sao không?”, ông Vinh bình luận.
Cơ hội lớn, song theo vị giáo sư này, việc Việt Nam có tận dụng được hay không lại là chuyện khác. Quan trọng nhất và cốt lõi nhất vẫn là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì việc thu hút đầu tư mới mang lại hiệu quả.
“Chúng ta đừng bao giờ nghĩ là cơ hội đến, cứ ngồi đợi chờ “sung rụng thì khó lắm”. Không làm gì thì chúng ta sẽ không thể nắm bắt được bất cứ cơ hội nào dù cơ hội đó có tốt đến mấy. Chúng ta vẫn cần phải cải thiện môi trường đầu tư, quyết liệt hơn nữa trong cải cách thể chế, cắt giảm các loại thủ tục kinh doanh… để làm sao nhà đầu tư nhảy vào đầu tư họ không gặp những vấn đề “rào cản” giấy tờ, thủ tục hay pháp lý. Đó mới là cách chúng ta tận dụng cơ hội có một không hai này.
Môi trường đầu tư phải thay đổi, nhẹ nhàng hơn. Vị thể chúng ta có rồi, an ninh tốt họ thích đầu tư nhưng khi vào rồi mọi thứ về môi trường nếu chưa thông thoáng thì họ lại sợ. Thay vì nó đầu tư 10 thì chỉ đầu tư 1,2 thôi’, vị này khuyến cáo.
Riêng về tác động của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Jong Un tới nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông Vinh cho rằng, nông nghiệp có thể kỳ vọng xúc tiến tăng xuất khẩu nông sản sang Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ cũng là một quốc gia nông nghiệp tốt, một người làm nông nghiệp có thể nuôi hàng trăm người nhờ tự động hóa, cơ giới hóa. Chính vì vậy, nhân cơ hội này chúng ta tận dụng, tận dụng làm tốt hơn để nắm bắt cơ hội.