Ngày pháp luật

Thuế tiêu thụ đặc biệt có tạo ra sản phẩm đồ uống lành mạnh?

Nguyễn Quỳnh/VOV

Phương thức sản xuất mới làm giảm lượng đường trong đồ uống sẽ tạo ra sản phẩm lành mạnh từ đó mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% đối với đồ uống có đường của Bộ Tài chính từ nhiều năm qua vẫn chưa được thông qua do còn nhiều ý kiến trái chiều. Mục đích của lộ trình áp thuế TTĐB đối với các loại đồ uống này là định hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh, giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh có liên quan và tăng nguồn thu cho ngân sách.  

Theo một nghiên cứu năm 2018 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về tác động kinh tế và xã hội của chính sách thuế TTĐB với nước ngọt cho thấy, nếu áp dụng thuế TTĐB ở mức 10% với nước ngọt sẽ có thể mang lại cho ngân sách 1.976 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu của ngành công nghiệp đồ uống và ngành mía đường sẽ giảm khoảng 3.928 tỷ đồng, dẫn tới thu nhập từ hoạt động sản xuất của toàn ngành kinh tế giảm khoảng 0,16% và GDP giảm khoảng 0,12%.

Thuế tiêu thụ đặc biệt có tạo ra sản phẩm đồ uống lành mạnh? - Ảnh 1
Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường vẫn đang nhận được những ý kiến trái chiều.

Tại hội thảo “Chính sách thuế TTĐB đối với ngành đồ uống tác động đối với đầu tư, xúc tiến thương mại tại Việt Nam và khu vực” được tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành đồ uống hàng năm đã đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2018, ngành đồ uống đã nộp ngân sách trên 52.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, mức thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia đã tăng dần từ mức 50% năm 2013 lên mức 65% năm 2018. Theo lộ trình đề xuất mức thuế TTĐB đối với mặt hàng bia và rượu từ 20 độ trở lên sẽ áp dụng thuế suất 70% từ năm 2021 và 75% từ năm 2022; đối rượu dưới 20 độ sẽ áp thuế suất 40% từ năm 2021 và 45% vào năm 2022.

Riêng đối với ngành hàng đồ uống có đường, đề xuất nâng mức thuế GTGT từ 10% như hiện nay lên 12% vào năm 2020 và theo Dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi do Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế TTĐB ở mức 10% từ năm 2019 nhưng cho đến nay đề xuất này vẫn chưa được thông qua do còn nhiều ý kiến trái chiều.

“Liệu rằng việc nâng thuế GTGT và áp mới thuế TTĐB có giúp đạt được hiệu quả xã hội và tài chính như mong muốn? Trong khi các chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ có những tác động đa chiều cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Do đó, cần cân nhắc cách tiếp cận toàn diện hơn, bao gồm cả những giải pháp có tính bổ sung và thay thế khác ngoài công cụ thuế để đạt được cùng một mục tiêu xã hội”, ông Việt nêu quan điểm.

Theo ông Steven Bartholomeusz, Giám đốc chính sách Hiệp hội công nghiệp thực phẩm châu Á (FIA), ngành đồ uống toàn cầu đang đứng trước những áp lực lớn khi nhiều quốc gia đã đang và sẽ áp dụng những chính sách thuế khác nhau cho lĩnh vực này. Xu hướng chung đó có ảnh hưởng đến chính sách thuế đối với thực phẩm và đồ uống ở châu Á, vì thế nên nếu quốc gia nào chưa làm thì họ cũng sẽ chuẩn bị đề xuất thực hiện.

Doanh nghiệp cần có thời gian

Ông Steven Bartholomeusz cho rằng, việc áp thuế đối với đồ uống có đường sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi các phương thức sản xuất một cách đúng đắn, từ đó giảm lượng đường có trong các loại đồ uống, tạo ra sản phẩm lành mạnh và cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, lộ trình thay đổi công nghệ và thực hiện chính sách thuế cần phải có thời gian và trong thời gian chuẩn bị, các doanh nghiệp vẫn có thể trì hoãn việc thi hành những đề xuất thuế mới.

“Riêng đối với đề xuất thuế đối với mặt hàng nước ngọt tại Việt Nam cũng hơi khác so với các thị trường trong khu vực, khi mục đích của việc áp thuế do quan ngại đến sức khỏe và gia tăng nguồn thu ngân sách. Trong một số trường hợp, chính phủ hoàn toàn có thể áp đặt định mức thuế để tăng nguồn thu. Tuy nhiên, mục đích áp thuế đối với nước ngọt để giảm tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì hay tiểu đường chưa được chứng minh tính hiệu quả ở bất kỳ quốc gia nào”, ông Steven Bartholomeusz khuyến cáo.

Cho rằng thuế là một trong những công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô của mỗi quốc gia, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chỉ rõ, việc đánh giá các tác động của chính sách thuế đến các chủ thể trong các thành phần kinh tế là rất quan trọng.

Đặc biệt, chính sách thuế TTĐB đối với ngành đồ uống sẽ tác động rất lớn tới quá trình tiêu thụ hàng hóa, bởi thực phẩm và đồ uống là hàng hóa thiết yếu của đời sống. Số liệu khảo sát năm 2018 chỉ ra rằng, thực phẩm và đồ uống hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam (khoảng 30%) và chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.

Do đó ông Phú cho biết, Bộ Công Thương đã xếp ngành công nghiệp thực phẩm và nhóm ngành đồ uống có lợi thế cạnh tranh và định hướng chiến lược, trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Từ đó, sản phẩm đồ uống của Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh cao để hình thành nền kinh tế mạnh, hội nhập vững chắc với khu vực và thế giới./.

Tin Cùng Chuyên Mục