Thưa Luật sư, tên thương mại được hiểu như thế nào theo Luật Sở hữu trí tuệ?
- Luật SHTT quy định tại Khoản 21 Điều 4 rằng “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.Luật quy định là vậy nhưng để hiểu và xác định được thế nào là một tên thương mại trên thực tế lại không hề đơn giản. Bởi vì mỗi tổ chức, cá nhân khi hoạt động kinh doanh họ dùng rất nhiều tên gọi khác nhau, trong khi luật pháp lại thừa nhận rất nhiều “kiểu tên”, chẳng hạn như tên doanh nghiệp, tên riêng, tên giao dịch, tên viết tắt, tên tiếng Việt, tên tiếng nước ngoài... Tôi lấy ví dụ như tổ chức có tên là “Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín”, tên viết tắt là Sacombank, và trong giao dịch họ dùng cả tên tiếng Anh là “Sai Gon Thuong Tin joint stock bank”. Đó là chưa kể trong khi thực tiễn nhiều doanh nghiệp còn quy định thêm tên đối ngoại, tên đối nội.Điều đó làm cho việc hiểu và xác định thế nào là “tên thương mại” trong thực tiễn trở lên phức tạp.Vì không xác định được thế nào là một tên thương mại nên vấn đề bảo hộ tên thương mại vô cùng khó khăn.
Cụ thể là gồm những khó khăn nào thưa Luật sư?
- Thứ nhất, không thể xác định được một tên thương mại đang được bảo hộ là tên nào. Đó là tên doanh nghiệp được ghi trên giấy phép hay tên dùng trong hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, chúng ta biết rằng nếu tên thương mại đang được sử dụng của người này sẽ có khả năng ngăn cản một nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ của người kia nếu nó trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Vậy vấn đề là khi chủ nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ vì trùng với tên thương mại của người khác thì câu hỏi đặt ra là “căn cứ nào để xác định tên đó là tên thương mại của tổ chức đó mà từ chối”.
Thứ ba, Luật SHTT quy định tên thương mại được bảo hộ trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không phải thông qua thủ tục đăng ký. Do vậy quyền đối với tên thương mại xem như được mặc nhiên nếu tên thương mại đáp ứng yêu cầu bảo hộ. Khi có quyền này, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp phát hiện có nhãn hiệu của người khác xâm phạm tên thương mại của mình họ sẽ phản đối và có thể phát sinh tranh chấp.Lúc này, quay trở lại vấn đề, đâu là tên thương mại, và không giải quyết được câu hỏi đó nên không bảo vệ được quyền lợi của mình.
Cuối cùng là các khó khăn liên quan đến vấn đề xung đột quyền giữa nhãn hiệu và tên thương mại. Do tên thương mại và nhãn hiệu đều là hai dấu hiệu chỉ dẫn thương mại quan trọng của mọi doanh nghiệp, đồng thời được công nhận là đối tượng bảo hộ quyền SHTT, người tiêu dùng lại dễ nhầm lẫn sản phẩm dịch vụ của người này với người kia dựa vào tên gọi. Nên thực tiễn rất nhiều các tranh chấp phát sinh liên quan đến hai đối tượng này.
Vậy ở góc độ của doanh nghiệp, Luật sư có lưu ý gì cho họ khi mà hành lang pháp lý còn nhiều rào cản?
- Trước thực tế bảo hộ tên thương mại còn nhiều “vùng xám” như hiện nay, theo tôi doanh nghiệp nên chú trọng một số điểm lưu ý như sau:
Đối với các tổ chức cá nhân dự định thành lập doanh nghiệp: Trước khi đặt tên cho doanh nghiệp mới thì cần tiến hành tham khảo các nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký và công bố tại các cơ sở dữ liệu của Cục SHTT. Điều này là bước đầu tiên nhằm hạn chế xung đột tên thương mại với nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý sau này.
Đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh thông thường: Cần xây dựng độ nhận biết của tên thương mại trên thị trường để tạo điều kiện thuận lợi trong trường hợp có tranh chấp. Yếu tố danh tiếng hay sự biết đến rộng rãi của tên thương mại sẽ là một trong các căn cứ để các cơ quan chức năng thừa nhận quyền đối với tên thương mại.Mặt khác, nếu như trong trường hợp bắt buộc phải thay đổi tên doanh nghiệp thì cũng có các phương án về tên viết tắt để giữ lại hình ảnh doanh nghiệp trong lòng các đối tượng khách hàng nhất định.
Đối với các doanh nghiệp đã có chút nhận diện trên thương trường: Nếu được có thể bảo hộ tên thương mại dưới dạng nhãn hiệu để tăng phạm vi bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ. Ví dụ tên viết tắt Vinamilk của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam được đăng ký nhãn hiệu Vinamilk cho các sản phẩm sữa hay Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên với nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên… Làm được điều này, doanh nghiệp sẽ có thêm quyền không chỉ là tên thương mại mà còn là quyền đối với nhãn hiệu thì cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ dễ dàng hơn.
Đối với các doanh nghiệp mà tên thương mại cũng là tên của nhãn hiệu sản phẩm hay dịch vụ chủ lực: Thì cần tiến hành xác lập quyền đối với nhãn hiệu cho sản phẩm hay dịch vụ đó để tránh đối thủ cạnh tranh cùng ngành nếu họ có tên thương mại khác nhưng cùng sản phẩm có kênh phân phối tương tự.
Cuối cùng, doanh nghiệp nên ý thức rằng thực tiễn bảo hộ tên thương mại còn nhiều hạn chế là một thực tế khách quan, không phải chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới. Việc cơ quan đăng ký kinh doanh cấp phép tên doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc tên đó là độc nhất và không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào đối với bên thứ ba. Do vậy, tốt nhất doanh nghiệp không nên quá phụ thuộc vào “quyền” đối với tên thương mại mà xem nhẹ quyền đối với các đối tượng nhận diện thương hiệu khác để khi quyền đối với tên thương mại không được đảm bảo thì doanh nghiệp vẫn không mất quá nhiều.
Xin chân thành cảm ơn ý kiến của Luật sư!