Ngày pháp luật

Thực hư công trình xây dựng không phép là "phố Trung Quốc ở Đà Nẵng"

Vân Anh

Chiều nay 10/3, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, Đội quy tắc đô thị quận Cẩm Lệ và UBND phường Hòa Xuân đã có mặt tại công trường xây dựng giao nhau giữa đường Phạm Hùng- Hoàng Đạo Thành (Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, Hòa Xuân) để kiểm tra thực tế về việc xây dựng không phép.

Thông tin đang gây xôn xao dư luận vì được cho là có yếu tố nước ngoài "núp bóng".

Theo đó, vị trí công trường xây dựng tại khu vực giao nhau giữa đường Phạm Hùng - Hoàng Đạo Thành. Dọc theo phía đầu đường Hoàng Đạo Thành, một dãy tường bê tông kiên cố, dài hơn 20 mét nằm trong phần đất của Công ty VietMay Home Tổng kho miền Trung (thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai). Bức tường này có hai cửa vào ở hai đầu.

Ông Võ Linh Thể, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho biết, qua tìm hiểu, dự án có tên “Trung tâm giới thiệu trà và đặc sản Việt Nam” do Công ty TNHH Liên Hợp Thế Duy (trụ sở tại số 67 Ngô Thì Nhậm, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) làm chủ đầu tư. Đây là công trình xây dựng chưa được cấp phép.

Thực hư công trình xây dựng không phép là

Quyết định xử phạt công trình trái phép 

Thực tế, phường đã nắm từ lâu nhưng không biết rõ vị trí. Sau khi chủ đầu tư đập bức tường bao bọc bên ngoài (ở số 3 đường Phạm Hùng) mới lộ ra.

Vào ngày 9/3, khi lực lượng chức năng của phường Hòa Xuân phát hiện đã xuống kiểm tra, phía Công ty chỉ trình được bản vẽ thiết kế, còn không đưa ra các giấy tờ hợp lệ khác. Ngay sau đó, ông Võ Linh Thể đã ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.

Thực hư công trình xây dựng không phép là

Bên trong công trình trái phép 

Về kiến trúc bên trong, ông Thể thông tin, có hơn chục ngôi nhà được xây dựng gần hoàn thiện. Những ngôi nhà xây theo kiểu cổ, thường thấy giống nhà người Hoa ở Hội An (Quảng Nam). Nhà quây tròn với nhau thành hình chữ nhật trong một khuôn viên rộng gần cả ngàn mét vuông. Phía trước có sân nhỏ, được thiết kế ghế ngồi, có cả lối đi bộ với đèn đường chiếu sáng.

“Ở đây, tôi chỉ thấy một điểm khác thường là tất cả ngôi nhà đều được bịt kín xung quanh bởi bức tường bê tông dày. Ngoài những điểm trên, phần còn lại không có gì chứng tỏ phố Trung Quốc cả”, ông Thể nói.

Đặc biệt, cũng lời ông Thể, vào thời điểm kiểm tra hiện trường hôm 9/3, lực lượng chức năng phát hiện có năm người mang quốc tịch Trung Quốc đi cùng 1 hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung người Việt. Một trong số này có mang hộ chiếu hình lưỡi bò của Trung Quốc. Theo quy định, đây không phải khu vực du lịch nên cơ quan công an tiến hành mời về trụ sở để kiểm tra hoạt động của những người này theo đúng quy định.

Việc nhiều người đặt nghi vấn, nhóm người Trung Quốc này mới là chủ đầu tư thực sự, họ mượn danh nghĩa công ty Việt Nam để đầu tư, xây dựng, ông Thể khẳng định, chưa có cơ sở. Vấn đề này, hiện Cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ từ phía Công ty TNHH Liên Hợp Thế Duy.

Ở diễn biến liên quan, chiều ngày 10/3, khi trao đổi với lực lượng kiểm tra, một người tự nhận nhân viên của VietMay cho biết, VietMay cho thuê lại phần nhà kho này để kinh doanh. Khi cho thuê, đơn vị chỉ ký kết với chủ người Việt Nam, đồng thời đồng ý theo yêu cầu “cho cải tạo một xíu”. Còn việc “cải tạo”, phía được thuê phải làm việc với địa phương để xin giấy phép.