Theo Luật Đầu tư công (ĐTC) 2019, có hiệu lực từ 1/1/2020, toàn bộ thời gian lập, thẩm định, quyết định và thực hiện Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện theo các quy định mới. Liệu từ nay đến cuối năm, tình trạng giải ngân chậm như hiện nay có được khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản để kịp bắt nhịp với Luật ĐTC 2019 như kỳ vọng…
Giải ngân được 1/3 kế hoạch
Theo Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định giao vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 cho các bộ, ngành và địa phương với tổng số vốn là 367.394 tỷ đồng, đạt 85,5% kế hoạch Quốc hội quyết định.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 6 tháng năm 2019 của các địa phương đạt 96.639 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 32,85%, thấp hơn 1,88% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) đạt tỷ lệ giải ngân là 33,58%, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 61,56%, Chương trình mục tiêu quốc gia là 21,33%, vốn TPCP là 9,5% và vốn nước ngoài (ODA) là 12,14%.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện có 6 Bộ, ngành và 13 địa phương có số giải ngân đạt trên 50%, nhưng có tới 35 Bộ, ngành và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 15 Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Trong số đó, Hà Nội là địa phương có số vốn ĐTC 2019 cao nhất 46.448 tỷ đồng (vốn cân đối NSĐP chiếm 99,5%), chiếm 15,78% tổng vốn ĐTC 2019 của cả nước, tuy nhiên giải ngân chỉ đạt 21,22%; TP HCM có số vốn ĐTC 2019 là 36.788 tỷ đồng (vốn cân đối NSĐP chiếm 94,12%), chiếm 12,5% tổng vốn ĐTC 2019 của cả nước, tuy nhiên giải ngân chỉ đạt 18,76%. Đồng Nai có số vốn ĐTC 2019 là 13.947 tỷ đồng (2 nguồn cân đối NSĐP và TPCP), giải ngân chỉ đạt 9,36%.
Đáng chú ý, với nguồn vốn ODA, theo số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước nguồn ODA mới đạt 12,14%, trong đó 8/59 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30% (Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Yên, TP HCM, Bình Dương, Trà Vinh, Kiên Giang và Bạc Liêu); có 28 địa phương giải ngân ODA bằng 0%.
Sẽ có giải pháp mạnh
Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ (Bộ KH-ĐT), ông Trần Duy Đông, ngoài nguyên nhân về vướng mắc liên quan đến ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn ODA, thuế nhập khẩu, kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước, thủ tục ghi thu - ghi chi với Bộ Tài chính, thực hiện kế hoạch đấu thầu mua sắm tập trung và các tồn tại trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để (chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng…), thì phải kể tới tâm lý chủ quan của một số địa phương về việc được kéo dài thời hạn giải ngân vốn ĐTC trong 2 năm.
Để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2019, Đoàn công tác của Bộ KH&ĐT đã kiểm tra, giám sát về tình hình giải ngân vốn ĐTC ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Qua đợt khảo sát này cho thấy, trong các dự án trọng điểm, việc phối hợp giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương còn rất hạn chế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị sớm khắc phục điểm yếu này để tháo gỡ nút thắt cho giải ngân vốn và yêu cầu các địa phương rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn ĐTC năm 2019 đã được giao từ các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ cũng đã tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ giao vốn cho các dự án đủ điều kiện theo quy định.
“Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao vốn, Bộ đã đề nghị Chính phủ thu hồi hết số vốn không đủ điều kiện để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, xem xét điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…”- Bộ trưởng cho biết.
Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi Luật ĐTC 2019 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2020 với rất nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC.
“Từ nay đến cuối năm phải tạo chuyển biến cơ bản giải ngân ĐTC, để sau năm 2020 với Luật Đầu công sửa đổi, tạo ra bước tiến mới trong giải ngân ĐTC, lúc đó không thể đổ cho vấn đề thể chế nữa” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ lưu ý tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT phải rà soát lại vướng mắc trong việc giải ngân ĐTC, đẩy nhanh tốc độ giao vốn và giải ngân, đặc biệt là vốn TPCP và vốn ODA…
Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025
Chuẩn bị thực thi Luật ĐTC 2019, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị xây dựng Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng trước mắt tập trung đánh giá các kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tổng hợp nhu cầu ĐTC phù hợp với những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, phù hợp với Đề án cơ cấu lại ĐTC giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Bộ KH&ĐT đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu, hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm nay...”- Bộ trưởng cho hay.