Ngày pháp luật

Thua lỗ 2 năm liền, Angimex (AGM) tiếp tục có động thái chuyển nhượng vốn góp để thu hồi vốn

Linh An

Mới đây, ngày 8/3, Angimex thông báo nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Angimex - Kitoku (AKJ).

Từ cuối năm 2023 tới nay, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã ck: AGM) liên tục có động thái mới. 

Chuyển nhượng loạt vốn công ty con, công ty liên kết

Mới đây, vào ngày 8/3, Angimex thông báo nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Angimex - Kitoku (AKJ).

Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo, vốn điều lệ 8 tỷ đồng, trong đó Angimex sở hữu gần 33% vốn. Giá chuyển nhượng do bên nhận chuyển nhượng là Công ty cổ phần APC Holdings đề nghị.

Thua lỗ 2 năm liền, Angimex (AGM) tiếp tục có động thái chuyển nhượng vốn góp để thu hồi vốn - Ảnh 1

Trước đó, vào ngày 1/3/2024, Hội đồng quản trị công ty thông qua chủ trương chuyển nhượng tối đa 3,25 triệu cổ phiếu, tương đương 32,5% vốn Công ty cổ phần Golden Paddy cho Công ty cổ phần The Golden Group (tên cũ là Công ty cổ phần Louis Capital, mã ck: TGG). Giá chuyển nhượng là 32,5 tỷ đồng.

Golden Paddy sở hữu vốn điều lệ 110 tỷ đồng, trong đó The Golden Group góp 68,18%, cá nhân ông Lương Đặng Xuân góp 2,27% và phần còn lại là Angimex góp. 

Vào tháng 2/2024, Hội đồng quản trị công ty cũng chuyển nhượng toàn bộ 25% vốn Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn - An Giang (Sagico). Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị, tổng số vốn góp là 46 tỷ đồng. 

Trong đó, nhóm cổ đông bao gồm Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (góp 35%), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (góp 25%), Công ty cổ phần XNK Nông sản thực phẩm An Giang và Angimex (góp 25%).

Bên nhận chuyển nhượng là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM và Công ty cổ phần XNK Nông sản thực phẩm An Giang.

Cuối năm ngoái, AGM cũng chuyển nhượng 21% vốn tại Angimex Furious cho Công ty The Golden Group (TGG).

Công ty TNHH Angimex Furious được thành lập vào ngày 01/10/2020, ngành nghề kinh doanh chính là bán mô tô, xe máy. Ngày đầu thành lập, công ty có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Theo thông tin đăng ký thay đổi ngày 27/05/2023, doanh nghiệp này sở hữu vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, Angimex nắm 70%, còn lại 30% do The Golden Group nắm giữ. Tại thời điểm này, ông Bùi Việt Dũng giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện.

Angimex là công ty được biết đến nằm top đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo. Tính đến 31/12/2023, Angimex có 6 công ty con hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón, lương thực, giống và dịch vụ nông nghiệp sở hữu 100% vốn. Đồng thời, công ty cũng góp vốn vào 5 công ty liên doanh và liên kết với tổng vốn đầu tư 145 tỷ đồng.

Mất cân đối vốn khi nợ phải trả gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu

Việc Angimex có nhiều động thái chuyển nhượng một phần, hoặc toàn bộ vốn góp tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết... được cho có nguyên nhân từ việc tài sản công ty bị mất cân đối vốn, đầu tư mua nhà máy, tài sản dài hạn bằng vốn phát hành trái phiếu ngắn hạn - thời hạn 1 đến 2 năm. Điều này khiến công ty thiếu hụt dòng tiền trả nợ ngân hàng, nhà đầu tư và không có nguồn vốn hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, Angimex bị mất cân đối vốn khi vốn chủ sở hữu còn 29 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 1.230 tỷ đồng, chủ yếu nợ ngắn hạn.

Tính đến cuối năm 2023, Angimex ghi nhận nợ vay 987 tỷ đồng, trong đó vay trái phiếu chiếm 560 tỷ đồng.

Lên kế hoạch tăng vốn

Nhằm cơ cấu khoản nợ, ngoài việc bán tài sản, Agimex còn muốn vay cá nhân, tổ chức tín dụng và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đồng thời, công ty dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi nợ, chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để huy động tiền trả nợ. Tổng số lượng phát hành dự kiến lên tới 71 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ qua đó dự kiến tăng từ 182 tỷ đồng lên 892 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 hoặc 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận.

Việc thua lỗ liên tiếp trong năm 2022 và năm 2023 với khoản lỗ lần lượt là 234 tỷ đồng và 207 tỷ đồng đã đẩy lỗ lũy kế lên hơn 153 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Điều này dẫn đến nguy cơ AGM bị hủy niêm yết bắt buộc. 

Trước vấn đề này, công ty đề xuất dùng quỹ đầu tư phát triển 120 tỷ đồng và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu 5 tỷ đồng để bù đắp lỗ quỹ kế.

Năm 2024, Angimex đặt kế hoạch doanh thu 2.854 tỷ đồng, gấp 3,5 lần thực hiện 2023. Lãi trước thuế dự kiến đạt 27 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục