Ngày pháp luật

Thừa kế tiền mã hóa, liệu có khả thi?

Hồ Ngọc Tài

Với sự ra đời của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, việc công nhận tiền mã hóa là tài sản hợp pháp đang gần hơn bao giờ hết.

Cơ chế lưu trữ tiền mã hóa 

Bản chất của tiền mã hóa (crypto) là một sản phẩm của công nghệ chuỗi khối (blockchain) và hoạt động dựa trên công nghệ sổ cái phân tán. Các giao dịch liên quan đến chúng được thực hiện ẩn danh và không thông qua bất kỳ tổ chức hay trung gian tài chính nào. Để tham gia vào thị trường, nhà đầu tư phải đăng ký một ví lưu trữ cá nhân, đi kèm với đó là mật mã của ví bao gồm một chuỗi các chữ, số và ký tự ngẫu nhiên. Điều quan trọng là chỉ tồn tại duy nhất một mã mở khóa của ví và sẽ không có cách nào khôi phục nếu chúng ta quên mật mã hoặc mất tài khoản. Và đây sẽ được xem là yếu tố cốt lõi, đóng vai trò quan trọng xuyên suốt bài viết này.

Quy định pháp luật hiện hành

Hiện nay, mỗi cá nhân đều có quyền lập di chúc để định đoạt và để lại tài sản của mình cho những người thừa kế về sau và đây là một trong những quyền cơ bản theo quy định pháp luật về dân sự. Điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 định nghĩa di chúc là “sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” và khi lập di chúc, nội dung di chúc không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và hình thức di chúc không được trái quy định của luật. Cùng với đó, những tài sản được thể hiện tại di chúc sẽ được gọi là di sản.

Theo điều 612 BLDS 2015, di sản bao gồm “tài sản riêng của người đã mất, phần tài sản của người đã mất trong tài sản chung với người khác”. Tuy nhiên, trừ khi được quy định bởi luật, không phải bất cứ loại tài sản nào cũng sẽ được công nhận là một phần của di sản. Hiện nay, chỉ những tài sản được quy định tại điều 105 BLDS 2015 về “tài sản” mới đủ điều kiện để trở thành một phần của di sản, gồm có:

- Vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản.

- Bất động sản và động sản (có thể là tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai).

Có thể thấy, để được công nhận là một phần của di sản, trước hết tiền mã hóa phải được pháp luật công nhận là một loại tài sản. Tuy nhiên, với những đặc điểm mới lạ hơn so với tài sản truyền thống, sẽ là không phù hợp nếu áp dụng định nghĩa về “tài sản” tại điều 105 BLDS 2015 đối với tiền mã hóa.

Thời gian qua, sự ra đời của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã tạo nên một làn sóng tích cực và mang đến rất nhiều sự mong chờ, không chỉ từ phía các chuyên gia, mà còn từ các nhà đầu tư, người dân và cả doanh nghiệp. Dự thảo luật này được nhận định sẽ giúp Chính phủ dễ dàng hơn trong việc quản lý lĩnh vực công nghiệp công nghệ số và bên cạnh đó, góp phần thúc đẩy, giúp Việt Nam phát triển hơn trong lĩnh vực này.

Nếu dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua, tiền mã hóa sẽ được xếp vào phân loại token chứng khoán/tài sản mã hóa đang chứng khoán và sẽ được công nhận là một loại tài sản hợp pháp, từ đó, đủ điều kiện để trở thành một phần của di sản.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã đưa ra được một định nghĩa phù hợp hơn đối với tiền mã hóa, đó là tài sản số. Theo khoản 1, điều 10 dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, tài sản số được định nghĩa “là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, có giá và quyền tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan” và được chia thành: token chứng khoán/tài sản mã hóa đang chứng khoán, token thanh toán, token tiện ích và token hỗn hợp các loại trên. Theo tác giả, một khi dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua, tiền mã hóa sẽ được xếp vào phân loại token chứng khoán/tài sản mã hóa đang chứng khoán và sẽ được công nhận là một loại tài sản hợp pháp, từ đó, đủ điều kiện để trở thành một phần của di sản.

Thách thức trong việc áp dụng pháp luật

Trước thời điểm dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng, Chính phủ đã nhiều lần khuyến cáo người dân không đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan cũng như ban hành quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp với mục đích nhắm vào tiền mã hóa. Nếu trước đây, việc thể hiện tiền mã hóa trong nội dung di chúc sẽ đương nhiên bị xem là vi phạm và di chúc sẽ không được công nhận, thì giờ đây, câu hỏi đặt ra là: Trường hợp dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được thông qua, nếu tiền mã hóa được thể hiện là một trong những nội dung tại di chúc, khi đó, sẽ giải quyết như thế nào?

Để trả lời câu hỏi trên, nếu chỉ áp dụng các quy định pháp luật truyền thống, về cơ bản sẽ rất khó. Thách thức lớn nhất của quá trình này chính là việc tiền mã hóa được lưu trữ tại một ví cá nhân, bảo mật bằng một mã khóa với những chuỗi chữ, số, ký tự ngẫu nhiên và không thể khôi phục. Có thể thấy, đây là một trong những yếu tố đóng vai trò “sống còn”, quyết định sự thành bại và tạo tiền đề cho cả quá trình. Do đó, cần phải có các quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể để giải quyết cũng như giúp cho quá trình này được diễn ra một cách thuận lợi.

Phương hướng giải quyết

Theo quan điểm của tác giả, trong tương lai, để việc áp dụng pháp luật về thừa kế đối với tiền mã hóa thực sự khả thi, cần đáp ứng ba điều kiện.

Thứ nhất, tiền mã hóa phải được pháp luật công nhận là một loại tài sản. Có thể nói, đây là một điều vô cùng quan trọng, bởi nếu không được công nhận, chúng ta sẽ không có cơ sở để áp dụng các quy định pháp luật đối với chúng. Với sự ra đời của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, có thể nhận định rằng, trong tương lai gần, tiền mã hóa sẽ được công nhận là một loại tài sản và trong trường hợp này, chính là một dạng của tài sản số.

Thách thức lớn nhất của quá trình này chính là việc tiền mã hóa được lưu trữ tại một ví cá nhân, bảo mật bằng một mã khóa với những chuỗi chữ, số, ký tự ngẫu nhiên và không thể khôi phục.

Thứ hai, mật mã của ví lưu trữ phải được đảm bảo. Như đã phân tích, việc nắm giữ mật mã của ví lưu trữ là một điều vô cùng quan trọng. Yếu tố này sẽ phục vụ xuyên suốt quá trình áp dụng pháp luật và giúp chúng ta có thể tiếp cận với số lượng tiền mã hóa. Nếu không, chúng sẽ vĩnh viễn bị treo trong hệ thống và không bao giờ tiếp cận được.

Thứ ba, sau khi dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được thông qua, cần tiếp tục ban hành những quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này. Vì đây là một lĩnh vực vô cùng mới, thế nên, nếu chỉ áp dụng những quy định pháp luật truyền thống đương nhiên sẽ gặp rất nhiều bất cập. Do đó, để quá trình áp dụng được thực sự khả thi, cần thiết có những quy định cụ thể về vấn đề này. Đó có thể là những yêu cầu, điều kiện bắt buộc khi chúng ta muốn thể hiện tiền mã hóa là một trong những nội dung tại di chúc.

Chẳng hạn di chúc phải hợp pháp và phải kèm theo mật mã của ví lưu trữ nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận để di chúc có thể thực hiện. Ngoài ra, giá trị của tiền mã hóa cũng luôn biến động qua từng giai đoạn, thế nên, cần có một quy ước cụ thể về giá trị của chúng, phòng trường hợp định giá không đúng với thực tế (chẳng hạn, tại di chúc sẽ nêu rõ “Căn cứ vào giá trị của loại tiền mã hóa đó tại thời điểm tiến hành phân chia di sản để phân chia cho những người thừa kế”).

Dẫu biết rằng trong thực tiễn có thể phát sinh những yếu tố khác, tuy nhiên về mặt lý thuyết, nếu mật mã của ví lưu trữ được đảm bảo, sẽ giúp cho quá trình áp dụng pháp luật được diễn ra một cách “trơn tru” và hiệu quả. Và qua đó, có thể kết luận rằng, khi và chỉ khi đáp ứng được điều kiện này, bằng không, đừng nghĩ đến chuyện áp dụng pháp luật về thừa kế đối với tiền mã hóa.

Tin Cùng Chuyên Mục