Phát biểu tại hội nghị Tương lai của châu Á tổ chức tại Tokyo, Nikkei đứng ra chủ trì, ngài thủ tướng nhấn mạnh "Huawei đã đạt được những thành tựu công nghệ to lớn vượt qua cả Mỹ". Đây giống như một lời cự tuyệt với các cáo buộc phía Mỹ đưa ra nhắm vào Huawei, từ một quốc gia Đông Nam Á. Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen cùng hàng trăm công ty Trung Quốc khác. Cơ bản, họ bị cấm giao dịch và hợp tác với các công ty Mỹ, nhưng rồi lệnh cấm lan ra cả với một số hãng nước ngoài.
Thủ tướng Malaysia cho rằng tuy Mỹ vốn được biết đến bởi năng lực nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ, nhưng bây giờ họ phải chấp nhận thực tế là ngay cả phương Đông cũng có năng lực ấy. Ông cũng tuyên bố đất nước mình không hề e ngại sử dụng công nghệ của Huawei, trong khi một số quốc gia khác như Nhật Bản, Úc, đã nghe theo Mỹ. "Huawei có năng lực nghiên cứu vượt xa Malaysia, vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng tích hợp công nghệ từ họ nhiều nhất có thể", ông bổ sung. Malaysia không bận tâm nhiều về các cáo buộc gián điệp, họ có chính sách cởi mở.
Vị thủ tướng 93 tuổi nói với tờ Nikkei rằng, Malaysia sẽ sử dụng các công nghệ từ Trung Quốc để tăng cường cả hoạt động kinh doanh lẫn an ninh đất nước. Ông đặc biệt hứng thú với AI, cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ là công cụ đầy quyền năng nếu chúng ta hiểu rõ về nó. Sau khi tái đắc cử, ông nhanh chóng tìm gặp lãnh đạo hai công ty lớn là Alibaba và Huawei, hy vọng họ sẽ rót vốn đầu tư để thúc đẩy công nghệ nước nhà phát triển. Mohammad tin rằng công nghệ Trung Quốc sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm có mức lương cao ở Malaysia, nhưng ông cũng rất cởi mở với công nghệ của các quốc gia khác.