Báo cáo tại hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, sáng 2/1, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị mất việc do đại dịch đang gặp khó khăn. Nguyên nhân do tiêu chí quá cao.
Khắc phục hạn chế này, để doanh nghiệp vay được gói tín dụng trả lương cho người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay.
"Nếu không có nguồn thu thì doanh nghiệp gần như phá sản, giải thể. Do đó, doanh nghiệp không vay để trả lương cho người lao động" - ông Dung giải thích.
Chính vì vậy, Chính phủ nên chấp thuận đề nghị này và giao cho Ngân hàng nhà nước và Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, xây dựng điều chỉnh tiêu chí để sớm trình Thủ tướng.
Đồng thời, ông Dung cũng đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp vay gói này đến hết tháng 12 năm nay thay vì hạn cuối là ngày 31/7. Đây là giải pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, ông Dung cũng kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Đó là giáo viên trường tư thục - những người đã mất việc làm, ngừng việc làm nhưng chưa được hỗ trợ.
"Đề nghị Chính phủ cho bổ sung hỗ trợ cho đối tượng giáo viên trường tư thục. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ vẫn nằm trong gói 62.000 tỷ đồng như Chính phủ đã phê duyệt" - ông Dung nêu.
Về giảm tiêu chí tiếp cận gói 16.000 tỷ đồng, ngay sau phát biểu của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý hạ các tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để trả lương cho người lao động.
Báo cáo về chi ngân sách nhà nước cho công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết đến nay, ngân sách nhà nước đã chi 15.300 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chi hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp, người có công và đối tượng bảo trợ xã hội là 11.300 tỷ đồng.