Thủ tướng phê bình Bộ Y tế không có người tham gia đối thoại
Ông Phan Thủy Xuân (xã Ea Ô, Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, việc phát triển y tế, giáo dục ở Tây Nguyên còn hạn chế, như dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở nhiều nơi, do người dân không được tiêm chủng đầy đủ. “Chính phủ đang có chính sách gì để phát triển giáo dục, y tế ở khu vực Tây Nguyên?”, ông Xuân nêu câu hỏi.
Với câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế trả lời, nhưng không có ai đứng dậy.
Theo ban tổ chức, danh sách đăng ký sẽ trả lời tại buổi đối thoại là Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, nhưng đại diện Bộ Y tế không xuất hiện và trả lời.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê bình Bộ Y tế vắng mặt tại buổi đối thoại.
Thủ tướng đề nghị điều tra, truy tố, xét xử nạn sản xuất phân bón giả
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định, qua 2 lần tổ chức, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ. Đặc biệt, những bất cập trong xây dựng, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo được nhiều chuyển biến tích cực; được nông dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ thực hiện.
Hội nghị lần này, khẳng định Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; luôn lắng nghe, thấu cảm những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân…
Ông Đỗ Ký Toán (trú tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), nêu câu hỏi, thời gian qua giá cà phê xuống rất thấp, nhiều người dân mong muốn chặt cây cà phê để trồng cây khác thay thế. Nông dân hiện nay có nên theo đuổi cây cà phê gắn với lịch sử vùng đất Tây Nguyên hay không? Chính phủ có định hướng gì giúp người dân chuyển đổi cây trồng hay không và định hướng được cây trồng chủ lực của người dân Tây Nguyên?
Tiếp nhận câu hỏi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cà phê là mặt hàng chiến lược của Việt Nam. Nhật Bản là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam; điều này chứng tỏ cà phê nước ta có chất lượng rất tốt. Chính phủ đã có những giải pháp như: Quy hoạch vùng sản xuất rõ ràng; thâm canh tốt hơn nữa; không được phá rừng tự nhiên để trồng cà phê; phải nâng cao quy hoạch chất lượng trồng cà phê; các Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT tiếp tục mở rộng và ổn định thị trường; cấp vốn để tái canh cà phê…
Thủ tướng cho rằng, sản phẩm chế biến cà phê vẫn còn thấp, mới chiếm 12% thị phần xuất khẩu… Cà phê ở Tây Nguyên, cà phê ở Đắk Lắk luôn luôn giữ thương hiệu quý hơn vàng để chúng ta luôn có sản phẩm tốt.
Bà Trần Thị Hoàng Anh (Gia Lai) nêu câu hỏi, để sản phẩm nông nghiệp an toàn, sắp tới đây Chính phủ và các Bộ, ngành có những giải pháp gì triệt để để chấm dứt tình trạng phân bón giả?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ sau 2016, Thủ tướng Chính phủ ra văn bản thống nhất một đầu mối, do Bộ NNPTNT trực tiếp quản lý phân bón. Hàng năm Việt Nam cần hơn 10 triệu tấn phân bón các loại; hiện nay có 4 triệu tấn phân bón hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong 4 năm qua có bước phát triển rất nhanh (hiện có 125 nghìn ha sản xuất nông nghiệp bằng phương thức hữu cơ).
"Chúng ta đang ngày càng hình thành theo hướng một nền nông nghiệp thông minh, một nền nông nghiệp sạch… Sản phẩm nông nghiệp chúng ta đang xuất khẩu đi 80 nước. Tuy nhiên, chúng ta còn phải tiếp tục chấn chỉnh, kể cả những đơn vị sản xuất phân bón, về các quy trình, ứng dụng… hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, xuất khẩu”, ông Nguyễn Xuân Cương nói.
Trước câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng phải điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc nhất theo Bộ luật Hình sự đối với những tổ chức, cá nhân tiêu thụ phân bón giả.
Trước giờ hội nghị chính thức, hàng trăm nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước đã có mặt. Trong tâm thế háo hức, nhiều nông dân đã chia sẻ tâm tư trước hội nghị đặc biệt quan trọng này.
Bà Hoàng Thị Hương, thôn Tam Hà, xã Cư Klông, huyện Krông Năng cho biết, cây cà phê từng cho thu nhập ổn định nhưng nay giá thấp, người trồng không có lãi. Nhiều nông dân đã chuyển sang đa canh các loại cây trồng khác theo hướng tự phát. Cụ thể năm nay, bơ ở Đắk Lắk rớt giá, bán không hết. Nông dân mong muốn kết nối với doanh nghiệp lớn tìm đầu ra ổn định, hướng đến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk mong muốn, cùng với cà phê và hồ tiêu là cây trồng chủ lực. Trái cây Đắk Lắk cần được chú trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho nông dân. Ông mong cuộc đối thoại lần này, Thủ tướng sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, các đơn vị doanh nghiệp lớn tiếp tục quan tâm đến các sản phẩm của Đắk Lắk, làm tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông cũng mong Chính phủ tiếp tục tạo cơ chế, hành lang tốt nhất cho nông dân tiếp cận vốn, ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
Hội nghị lần này tập trung vào việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhất là ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Đây cũng là dịp để bà con nông dân bày tỏ, kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, ổn định đời sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; Chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, bức xúc của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đánh của nông dân và doanh nghiệp.
Hiện, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được hơn 2.200 câu hỏi do nông dân, hội nông dân các cấp, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các phóng viên báo chí…gửi tới Thủ tướng. Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tổ chức vào tháng 4/2018 tại tỉnh Hải Dương, lần thứ 2 vào tháng 12/2019 tại TP. Cần Thơ.
Link bài gốc