TS. Đỗ Văn Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia trong lĩnh vực thống kê và kinh tế ứng dụng.
1. Thưa TS. Đỗ Văn Huân, ông đánh giá như thế nào về vai trò và tầm quan trọng của công tác thống kê đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay?
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, có thể cho rằng dữ liệu là tài sản có giá trị của doanh nghiệp. Người ta ví dữ liệu như một loại tài nguyên mới và theo ước tính cứ sau 2 năm thì quy mô dữ liệu tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, nếu không biết khai thác, xử lý thì dữ liệu không thể trở thành thông tin và không có giá trị. Thống kê chính là công cụ giúp doanh nghiệp “biến dữ liệu thành thông tin và thông tin thành tri thức”, làm nền tảng cho mọi quyết định kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, tối ưu vận hành, giảm chi phí, quản trị rủi ro, giúp tăng tính cạnh tranh.
2. Theo ông, đâu là những công cụ, phương pháp thống kê mà các doanh nghiệp nên ưu tiên ứng dụng để đưa ra các quyết định chiến lược hiệu quả hơn?
Thống kê là tập hợp các công cụ từ thiết kế, thu thập dữ liệu, xử lý và phân tích dữ liệu, từ các phương pháp thống kê truyền thống, đơn giản như thống kê mô tả (bảng thống kê, đồ thị thống kê hay các tham số đặc trưng), các phương pháp thống kê suy luận (ước lượng, kiểm định, xây dựng mô hình,…) đến các phương pháp thống kê hiện đại, kết hợp với kỹ thuật máy học để xây dựng các mô hình phức tạp hơn như phương pháp phân cụm, xây dựng cây quyết định, luật kết hợp,… Việc sử dụng phương pháp nào tuỳ thuộc vào dữ liệu cũng như mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể khẳng định, nếu doanh nghiệp chú trọng đến công tác thống kê sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong các doanh nghiệp theo đúng tình thần “biết mình, biết người – trăm trận trăm thắng”.
3. Trong thực tiễn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn còn e ngại hoặc chưa coi trọng số liệu thống kê. Nguyên nhân của tình trạng này là gì và đâu là hướng khắc phục?
Hiện nay, trong cả nước ước tính có khoảng 80% doanh nghiệp có quy mô từ 10 lao động trở xuống, hơn 60% doanh nghiệp có dưới 5 lao động. Chính vì vậy, không hẳn là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chưa coi trọng dữ liệu thống kê mà có lẽ là các doanh nghiệp này chưa đủ nguồn lực để thành lập đội ngũ phân tích dữ liệu. Các doanh nghiệp thường không có đủ nguồn lực để thực hiện các cuộc điều tra nghiên cứu thị trường. Nhiều doanh nghiệp quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh còn theo kiểu kinh nghiệm, theo mô hình gia đình - mang tính tự phát, các hoạt động theo kiểu sản xuất những gì mà doanh nghiệp có, chứ chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu của thị trường. Tâm lý ngại thay đổi, thích ứng với những mô hình mới của các chủ doanh nghiệp.
4. TS có thể chia sẻ một ví dụ thực tế về việc một doanh nghiệp hoặc tổ chức đã ứng dụng hiệu quả các công cụ thống kê để điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong thời đại số?
Qua quan sát thì hiện nay các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, Vinamik, các tổ chức tài chính,… thường có các bộ phận phân tích dữ liệu – chịu trách nhiệm về việc thu thập các dữ liệu nội bộ cũng như các dữ liệu ngoài doanh nghiệp, như dữ liệu thị trường, dữ liệu vận hành, kinh doanh, dữ liệu tài chính và hiệu suất, phân tích, dự báo nhu cầu thị trường, xây dựng các mô hình đánh giá rủi ro, mô hình dự báo,… Các hoạt động này giúp cho việc sử dụng tối ưu các nguồn lực, điều chỉnh, thích ứng kịp thời trước những thay đổi của thị trường, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
5. Việc phân tích dữ liệu lớn (big data), dữ liệu thời gian thực (real-time data) đang trở thành xu hướng. Theo ông, thống kê có thể tích hợp và thích ứng với những công nghệ này như thế nào?
Đặc trưng của dữ liệu lớn (big data) là tập hợp các dữ liệu có khối lượng lớn, thường là các dữ liệu phi cấu trúc, được cập nhật liên tục có thể theo thời gian thực. Như vậy để xử lý được dữ liệu lớn, một mặt cần nghiên cứu áp dụng các mô hình máy học (machine learning) để phát hiện ra các quy luật tiềm ẩn, đồng thời nghiên cứu các phương pháp chuẩn hoá dữ liệu lớn để áp dụng các phương pháp thống kê truyền thống. Hiện nay trong các chương trình đào tạo về thống kê, phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu,… đã tăng cường, lồng ghép nhiều học phần liên quan đến kiến thức, kỹ năng để sinh viên có năng lực xử lý các loại dữ liệu này, chẳng hạn tập trung tăng cường trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng về cơ sở dữ liệu, ngôn ngữ lập trình (R, python,…), các phương pháp máy học, học sâu,…
6. Cuối cùng, TS có kiến nghị gì đối với các cơ quan hoạch định chính sách và hiệp hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy việc sử dụng thống kê như một công cụ chiến lược trong quá trình chuyển đổi số quốc gia?
Trong một vài nghiên cứu về kinh tế số, dựa vào dữ liệu điều tra trong các nghiên cứu, thì hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số mới chỉ đạt khoảng hơn 50%. Để thúc đẩy việc sử dụng thống kê như một công cụ chiến lược trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, các cơ quan hoạch định chính sách cần có các giải pháp để thúc đẩy tăng cường chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng khung chiến lược dữ liệu quốc gia, xây dựng khung năng lực số, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - trong việc ứng dụng thống kê, tiếp tục tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo an toàn, an ninh mạng; tăng cường đào tạo về năng lực thống kê, năng lực số, phát triển hạ tầng, công nghệ số; các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò kết nối, lan tỏa nhận thức về giá trị của thống kê, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất chính sách phù hợp với nhu cầu thực tế.
Chúng tôi trân trọng cảm ơn TS. Đỗ Văn Huân đã dành thời gian quý báu để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc trong lĩnh vực thống kê kinh tế một công cụ ngày càng đóng vai trò chiến lược trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp hiện nay. Sự đồng hành và nhiệt huyết của ông không chỉ giúp làm rõ giá trị của khoa học thống kê trong kỷ nguyên số, mà còn góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới tư duy, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt phát triển bền vững, hiệu quả và thích ứng nhanh với thời cuộc./.
TS. Đỗ Văn Huân Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân. Chuyên gia trong lĩnh vực Thống kê và Phân tích dữ liệu trong kinh doanh. Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn thực tiễn, TS. Đỗ Văn Huân đã tham gia nhiều đề tài, đề án cấp các cấp và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực thống kê, kinh tế và chuyển đổi số.