Ngày pháp luật

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Dư nợ tín dụng/GDP ở mức cảnh báo

Hoàng Yến

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, hiện nay chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tăng trưởng tín dụng. Bởi chỉ số dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đã chiếm hơn 120%, là mức cảnh báo.

Sẽ xem xét bỏ hạn mức tín dụng khi thị trường cho phép

Tại phiên chất vấn sáng 11/11, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, Nghị quyết chất vấn của Quốc hội đã yêu cầu NHNN tiến tới dỡ bỏ, điều hành hạ mức tăng trưởng tín dụng. “NHNN đã thực hiện như thế nào? Đề nghị Thống đốc cho biết lộ trình tiến tới xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng” - đại biểu gửi câu hỏi tới Thống đốc.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội)
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội)

Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN xét thấy trong bối cảnh, điều kiện hiện nay thì chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng. Bởi nền kinh tế vẫn phụ thuộc rất lớn vào vốn của hệ thống ngân hàng. Nếu chúng ta không kiểm soát mà mỗi một tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng đến vài chục phần trăm như những năm trước đây, thì sẽ tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi phân khúc thị trường tài chính về nhu cầu vốn trung, dài hạn chưa giải quyết được nhiều.

Nhấn mạnh hơn về rủi ro khi bỏ hạn mức tín dụng, Thống đốc cho biết dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo, theo đánh giá của WB, ADB và nhiều định chế tài chính. “Thế nên NHNN xét thấy và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chưa bỏ được” - bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Tuy vậy, trong khi vẫn sử dụng hạn mức tín dụng, NHNN đã linh hoạt hơn và có những giải pháp để đáp ứng nhu cầu tín dụng. Theo đó, NHNN cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá, xếp loại của cơ quan thanh tra, giám sát NHNN, theo tổ chức tín dụng nào có khả năng mở rộng tín dụng nhưng vẫn đi đôi với kiểm soát rủi ro. Đồng thời, cân nhắc với các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn, như ưu tiên xuất khẩu, kiểm soát rủi ro ở thị trường bất động sản hay kinh doanh chứng khoán…

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo lộ trình này, theo dõi sát diễn biến và khi điều kiện thị trường cho phép thì sẽ bỏ công cụ điều hành này.

Tăng trưởng tín dụng cũng là vấn đề đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) chất vấn Thống đốc. Theo đại biểu, trong năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, đến ngày 31/10, tín dụng tăng 10,08 %. Thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh nhưng sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp, trong khi chỉ còn hai tháng để đạt được chỉ tiêu tín dụng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết, tính khả thi của chỉ tiêu tín dụng 15% trong năm 2024, giải pháp để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15% mà không để tăng tỷ lệ nợ xấu.

Theo Thống đốc NHNN, chỉ tiêu đưa ra đầu năm là định hướng, nhưng diễn biến của các biến số kinh tế vĩ mô là thường xuyên, liên tục và bản chất của chính sách tiền tệ là ngắn hạn. Do đó, cần phải theo dõi sát để có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm nếu cần thiết.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng làm rõ, con số tăng trưởng tín dụng 10 tháng năm nay cũng đã cao hơn 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và thông thường tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ cao do nhu cầu tiêu dùng, sản xuất cuối năm lớn. Như vậy, chỉ tiêu tín dụng năm nay đạt 15% là khả thi.

Doanh nghiệp, người dân cần cân nhắc các nguồn vốn khác ngoài ngân hàng

Quan tâm đến các giải pháp về tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay tình hình doanh nghiệp trong nước hiện vẫn rất khó khăn. Năm 2024, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 9,7% nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng tới 21%. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tham mưu cho Chính phủ những giải pháp thiết thực gì về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu thực tế nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào tín dụng của hệ thống ngân hàng, chỉ số dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đã chiếm hơn 120% GDP. Do đó, trong tổ chức điều hành về tín dụng, NHNN đã hết sức cân nhắc.

Bên cạnh các giải pháp về tín dụng đã được báo cáo, Thống đốc cho rằng hiện có rất nhiều nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân như nguồn vốn tự có, nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài, nguồn vốn vay nợ, hiện đã có cơ chế doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài, có khả năng tự vay - tự trả cũng có khuôn khổ pháp lý…

Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, bản thân doanh nghiệp và người dân cần cân nhắc tiếp cận các nguồn vốn phù hợp. Còn khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay và khách hàng đó phải có khả năng trả nợ, doanh nghiệp và người dân phải có phương án kinh doanh khả thi./.

Tin Cùng Chuyên Mục