Khơi nguồn sáng tạo…
Chia sẻ về ý tưởng “độc nhất vô nhị” này, người sáng lập thương hiệu Tam Minh - Phan Đình Tuệ cho hay: Bản thân anh đã kết hợp với một số người làm ra những thương hiệu may đo cao cấp, cũng như làm việc với các hãng vải hàng đầu thế giới nên anh nhận thấy những hãng vải lớn trên thế giới tạo ra giá trị thặng dư rất lớn. Thực tế, giá trị sản xuất liên quan đến vải, sợi, dệt không nhiều, trong khi ở Việt Nam có lợi thế rất lớn. Cụ thể: Bảo Lộc (Lâm Đồng) là một trung tâm về dệt, có kỹ thuật hàng đầu khu vực, nhưng chưa bao giờ được xuất hiện trên bản đồ lụa tơ tằm thế giới vì chúng ta chỉ gia công cho các thương hiệu làm thương mại tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Để chung tay góp sức định hình lại thương hiệu lụa Bảo Lộc, dưới đường lối chỉ đạo của doanh nhân Phan Tuệ, đội ngũ chuyên gia của Tam Minh khi làm việc với các nhà vải hàng đầu thế giới như Loro Piana, nhận thấy có những mẫu vải 100% từ sợi tơ tằm, tương tự với những loại vải mà Bảo Lộc đã sản xuất nhiều năm qua. Từ đó, ông chủ thương hiệu thời trang Phan Nguyễn nung nấu xây dựng một thương hiệu kết nối hệ sinh thái, từ khâu sản xuất nguyên liệu đến làm vải, thiết kế.
Để triển khai ý tưởng của mình, Phan Đình Tuệ cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu những cách làm chuyên nghiệp trên thế giới, cần quy hoạch vùng nguyên liệu, sau đấy phải sản xuất sợi, rồi mới tiến tới thiết kế, sáng tạo mẫu vải và tiến hành ứng dụng vào thời trang. Chúng tôi lựa chọn may đo như một giải pháp để chứng minh là những thương hiệu Việt Nam hoàn toàn sáng tạo và tự chủ từ nguyên liệu đến thành phẩm. Khi đưa ý tưởng này ra, tập thể Ban lãnh đạo Tam Minh nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn từ phía khách hàng bởi nó hàm chứa trong đó tinh hoa của văn hóa Việt…”
Và hơn hết, thương hiệu Tam Minh mong muốn là nơi kết nối ngành công nghiệp vải sợi Việt Nam, cũng như khuyến khích tinh thần sáng tạo của các nhà thiết kế trẻ Việt Nam, tạo ra các sản phẩm có tính dân tộc cao. Cũng theo người sáng lập thương hiệu Tam Minh: “Mỗi dân tộc, quốc gia đều có quốc phục của mình. Tuy nhiên, âu phục vẫn là sự lựa chọn số 1 của họ, vì lẽ đó Tam Minh sẽ thiết kế những bộ âu phục nhưng được may bằng chất liệu vải Việt Nam, do chính những người thợ có tay nghề cao trong nước làm!”.
Thổi “hồn” Việt vào thời trang!
Nhấn mạnh thêm về ý nghĩa và tính khả thi của ý tưởng này, Phan Đình Tuệ cho rằng: Người Việt Nam có tinh thần dân tộc rất cao. Khi chúng ta đã tạo ra được những sản phẩm có sự chứng minh, xác thực, chọn lựa kỹ càng, chắc chắn mọi người sẽ ủng hộ. Anh cũng cho hay: “Nỗ lực của chúng tôi đã có những thành quả nhất định, trong năm 2022 sẽ định hình và phát triển. Hiện tại, thương hiệu đã thiết kế được cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, làm ra các loại vải đúng yêu cầu cũng như may mẫu cho một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được đón nhận rất nồng nhiệt”…
Để ra được một thương hiệu, Phan Đình Tuệ cho hay: Có khá nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là bạn phải thiết kế ra một bộ nhân diện thương hiệu như thế nào? Xây dựng không gian bán hàng ra sao? Sử dụng chất liệu, thiết kế nội thất cửa hàng thế nào? Đặc biệt, để thương hiệu đó đưa ra được thế giới chúng ta phải tuân theo các điều kiện, tiêu chuẩn của thế giới. Muốn theo tiêu chuẩn của thế giới thì phải có tiêu chí đo lường rất cụ thể. VD: Bộ nhận diện thương hiệu có không, có đẹp không, có xuyên suốt không? Câu chuyện văn hóa của nó là gì? Ngoài ra, trong sản phẩm thời trang, yếu tố sáng tạo là vô cùng quan trọng. Vậy, bạn sáng tạo trên tinh thần dân tộc như thế nào?
Với Tam Minh, không gian cửa hàng mang hơi hướng của kiến trúc truyền thống và kiến trúc Đông Dương, cùng với những giá trị hiện hữu, bất biến. Từng chi tiết, màu sắc đều được thiết kế với những tiêu chuẩn cao nhất. Đặc biệt, nó có những yếu tố tương đồng với danh thắng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ nền gạch đến các bức bàn, tay cầm cửa…
Theo phân tích của doanh nhân Phan Đình Tuệ: Khách hàng chi trả rất nhiều tiền cho những bộ quần áo, thương hiệu họ mặc bởi nó mang đến văn hóa của thương hiệu. Văn hóa của Tam Minh xoáy sâu vào những yếu tố tự nhiên mang hồn Việt, góp phần tôn vinh các làng nghề truyền thống. Thực tế, các nước châu Âu đã xây dựng được thương hiệu may mặc từ chất liệu vải lông cừu. Còn chúng ta làm ngược lại khi xây dựng thương hiệu từ các loại vải thuộc thế mạnh của mình mà thế giới bao năm nay vẫn tin dùng. Chính vì thế Tam Minh sẽ vừa xây dựng thương hiệu, song song với đó sẽ định vị cho thế giới biết về chất lượng vải sợi Việt Nam.
Logo thương hiệu là hình ảnh trống đồng Đông Sơn - một trong những biểu tượng tồn tại vĩnh cửu với người dân Việt Nam được cách điệu. Nó cũng mang đậm ý nghĩa văn hóa dân tộc, biểu trưng cho nền văn hóa lúa nước của Việt Nam. Còn cái tên Tam Minh được đặt với mong muốn ba cậu con trai (Gia Minh, Đức Minh và Lập Minh) của doanh nhân Phan Đình Tuệ sẽ tiếp tục hoàn thành sứ mệnh, mơ ước mà anh vẫn đeo đuổi, khát khao thực hiện. Và các chàng trai sẽ góp phần mang văn hóa Việt ra thế giới, cũng như đặt dấu ấn của thương hiệu, qua việc học tập thời trang tại 3 quốc gia có nền thời trang phát triển.
Một trong những ý nghĩa của logo, cũng như cái đích mà chủ thương hướng tới, mong muốn đạt được là mang văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chính bởi vậy, Phan Đình Tuệ mong muốn các nghệ nhân sẽ làm việc, sáng tạo bằng cái tâm của mình. Đó cũng là lý do từ khi khởi nghiệp, anh đã đặt tên thương hiệu của mình là Phan Nguyễn. Cho đến bây giờ anh vẫn trung thành với cái tên Việt “Tam Minh”. 10 năm qua anh đã xây dựng được một nền tảng về tư duy cũng như độ khó tính của mình trong nghề. Hiện tại, khi đã ở trong độ chín nhất của nghề, ông chủ Tam Minh vẫn khẳng định: “Chỉ cái tên Tam Minh mới đủ điều kiện thuyết phục những vị khách hàng kỹ tính, có độ am hiểu về chất liệu!”…
Trong một buổi chiều se se lạnh, ông chủ chuỗi thời trang Phan Nguyễn Tam Minh say sưa nói về lộ trình, kế hoạch xây dựng thương hiệu mà mình ấp ủ bấy lâu nay, với một sự tự tin và niềm đam mê rực cháy. Anh cho biết: Văn hóa thời trang mà anh đưa ra thế giới dựa trên chất liệu được dệt thủ công từ các làng nghề như: Lụa tơ tằm Hà Đông; Lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng), hay vải gai cũng phải có khu vực để trồng, sau đó xe thành sợi. Và mình phải làm thương hiệu cho vùng nguyên liệu đó, song hành với đó là xây dựng một thương hiệu thời trang Việt, qua nền tảng của các nhà thiết kế trẻ, lột tả được hết vẻ đẹp của sản phẩm lên thì mới đủ thuyết phục khách hàng thế giới, bởi các vị khách nước ngoài khi đến Việt Nam họ tìm hiểu rất sâu về nền văn hóa. “Nếu mình kể đúng câu chuyện đủ để chạm đến trái tim khách hàng, họ sẽ yêu thích và lựa chọn sản phẩm vì yếu tố họ quan tâm chính là câu chuyện tâm huyết mà người sáng tạo ra nó kể”.
“Chỉ cái tên Tam Minh mới đủ điều kiện thuyết phục những vị khách hàng kỹ tính, có độ am hiểu về chất liệu!”…
“Nếu mình kể đúng câu chuyện đủ để chạm đến trái tim khách hàng, họ sẽ yêu thích và lựa chọn sản phẩm vì yếu tố họ quan tâm chính là câu chuyện, tâm huyết mà người sáng tạo ra nó kể.”