Ngày 11/6, tại Trung tâm báo chí TP HCM trong khuôn khổ sự kiện TikTok Safety Summit 2024, nam TikToker Thiện Nhân đã nói về trải nghiệm bị xoá kênh TikTok chỉ vì một vài câu đùa trên sóng livestream - điều mà Nhân tưởng là vô hại, song thực tế lại là một hành động vi phạm nghiêm trọng chính sách cộng đồng dành cho nhà sáng tạo trên nền tảng.
"Đó là một phiên live mà Nhân cùng với cháu trai của mình tham gia. Khi đó, một vài người xem đã bình luận rằng cháu trai lớn quá, muốn nhận làm cháu dâu của anh. Mình cũng nghĩ đó là những câu đùa vui vẻ nên đã hùa theo mọi người", nam TikToker chia sẻ.
Tuy nhiên, sau 10 phút, phiên livestream của Thiện Nhân đã bị nền tảng buộc dừng. Sau 30 ngày đánh giá, TikTok đã xoá vĩnh viễn kênh của anh khi đó đang có 5 triệu người theo dõi. "Kênh của Nhân chưa từng gặp phải bất kỳ sai phạm nào, thậm chí mình cũng nhiều lần được TikTok vinh danh nhờ những đóng góp cho cộng đồng. Nhưng, chỉ một vi phạm nặng thôi, kênh đã bị bay màu, kể cả bạn có cống hiến như thế nào cho nền tảng", Thiện Nhân chia sẻ.
Theo nam TikToker, sự cố bị xoá kênh khiến anh gần như suy sụp bởi đó là tài sản và công sức của đội ngũ trong thời gian dài, bên cạnh việc ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, bán hàng online.
Bình luận về sự cố mà Thiện Nhân đã gặp phải, bà Nguyễn Phương Anh, đại diện Bộ phận An toàn TikTok đánh giá đây là một vi phạm cực kỳ nghiêm trọng: "Đây là hành vi tính dục hoá trẻ em, dù là đùa giỡn nhưng đó vẫn là hành vi gây hại".
Theo bà Phương Anh, TikTok cập nhật các tiêu chuẩn an toàn mới nhằm trao quyền kiểm soát nội dung cho người dùng và nhà sáng tạo. Mọi nội dung vi phạm quy tắc, dù công khai hay riêng tư, sẽ bị gỡ bỏ. Nền tảng sẽ giới hạn độ tuổi với các nội dung không phù hợp với trẻ vị thành niên, như nội dung gợi dục, khoe thân, hay giết hại động vật, chỉ dành cho người trên 18 tuổi.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết TikTok đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và nhiều đối tác khác để bảo vệ quyền trẻ em và thanh thiếu niên, đảm bảo an toàn trên nền tảng.
Ông Thanh nhấn mạnh rằng việc tạo ra môi trường số tích cực đòi hỏi sự chung tay của tất cả mọi người. TikTok đang nỗ lực cải tiến các công cụ an toàn, trao quyền cho người dùng và nhà sáng tạo để tăng cường tương tác lành mạnh.
Tuy nhiên, tại sự kiện, chúng tôi đã đặt câu hỏi về trải nghiệm không tốt khi bắt gặp nội dung thô tục trên TikTok nhưng chưa thấy sự can thiệp của nền tảng chia sẻ video ngắn này. Cụ thể, đó là trường hợp hàng trăm video sử dụng một đoạn âm thanh chứa nhiều từ ngữ thô tục (ám chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ) đã tạo ra xu hướng trên nền tảng.
Trả lời về vấn đề, ông Thanh cho rằng ngôn ngữ phụ thuộc vào đánh giá và sự chấp nhận của cộng đồng. TikTok chỉ can thiệp trong trường hợp nhận được nhiều báo cáo từ người dùng về nội dung có tính xúc phạm, gây hại.
"Ngôn ngữ thuộc về phạm trù văn hoá, có những từ ngữ dù mang tính thô tục nhưng vẫn tồn tại trong đời sống thường ngày và được cộng đồng chấp nhận. TikTok chỉ hành động khi người dùng của chúng tôi báo cáo rằng đó là sự xúc phạm, ảnh hưởng tới trải nghiệm khi sử dụng ứng dụng", ông Thanh nói.
Đại diện TikTok cũng khẳng định ưu tiên hàng đầu của nền tảng chính là tăng cường an toàn trên không gian mạng, giúp người dùng thoải mái, tự tin thể hiện bản thân và tận hưởng niềm vui khi trải nghiệm ứng dụng.
“An toàn cho người dùng và cộng đồng luôn là ưu tiên hàng đầu của TikTok. Chúng tôi tin rằng, hành trình thúc đẩy môi trường số tích cực đòi hỏi ý thức và sự chung tay của tất cả mọi người. Chính vì thế, TikTok luôn nỗ lực cải tiến hệ thống các công cụ an toàn nhằm trao quyền cho người dùng, nhà sáng tạo và thương hiệu trong việc chủ động tăng cường các tương tác lành mạnh.
TikTok sẽ tiếp tục thường xuyên lắng nghe phản hồi từ người dùng, tổ chức các chiến dịch lan tỏa các nội dung tích cực trên nền tảng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, tổ chức, cơ quan chính phủ nhằm đẩy mạnh các hoạt động, chiến dịch nâng cao nhận thức và thực hành an toàn trên không gian số”, ông Thanh nói.