Một chuyến bay bị đình hoãn có thể đồng nghĩa với một loạt hệ lụy tồi tệ như trễ giờ cho một cuộc họp quan trọng với đối tác, kéo theo phá vỡ thương vụ, hoặc cắt ngắn thời gian sum họp gia đình, hay chỉ đơn giản là khiến khách hàng phải cáu kỉnh.
Thế nhưng trễ chuyến (delay) là một phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh hàng không và không thể tránh khỏi trong quá trình đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến bay.
Các đơn vị bên thứ ba thường xuyên thống kê tỷ lệ cất cánh, hạ cánh đúng giờ của các hãng hàng không toàn cầu.
Chậm chuyến nhiều hơn trung bình khu vực
Theo số liệu từ Cục Hàng không, trong 6 tháng đầu năm 2018, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hơn 150.000 chuyến bay, tăng 9% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 129.000 chuyến, chiếm tỷ lệ 86,1%.
Cùng kỳ năm 2017, các hãng bay Việt thực hiện 136.400 chuyến bay nhưng tỷ lệ cất cánh đúng giờ là khoảng 85,6%. Có thể thấy nửa đầu năm 2018 dù số chuyến bay tăng, tỷ lệ chậm chuyến lại giảm. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành hàng không Việt đang có sự cải thiện nhẹ trong khâu đúng giờ.
Cụ thể, Vietnam Airlines khai thác 64.221 chuyến, dẫn đầu với tổng số chuyến bay đúng giờ trong 6 tháng đầu năm với 57.381 chuyến. Số chuyến chậm là 6.840, hủy 140 chuyến, chiếm tỷ lệ 10,8%. Như vậy hãng hàng không quốc gia Việt Nam có tỷ lệ thực hiện chuyến bay đúng giờ là 89,2%.
Con số này sát với thống kê gần nhất của VariFlight vào tháng 10/2017 khi đơn vị này công bố Vietnam Airlines có tỷ lệ đúng giờ 88.65%.
Tỷ lệ này của Vietnam Airlines vẫn dưới mức trung bình 90,1% của 20 hãng hàng không tầm trung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà VariFlightcó số liệu thống kê. Cũng trong 20 hãng này, Vietnam Airlines xếp thứ 16/20 về tỷ lệ đúng giờ.
Tuy nhiên con số 89,2% mà Vietnam Airlines đạt được vẫn tích cực hơn so với Vietjet Air và Jetstar Pacific.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Vietjet Air khai thác 60.362 chuyến, trong đó có 10.235 chuyến bị chậm cùng với 66 chuyến phải hủy. Tỷ lệ đúng giờ của hãng chỉ là 83%.
Jetstar Pacific khai thác 18.439 chuyến thì có đến 3.577 chuyến chậm và 102 chuyến huỷ. Tỷ lệ đúng giờ của Jetstar Pacific thấp nhất trong 3 hãng lớn, chỉ đạt 80%.
Thời gian chậm chuyến gấp 4,5 lần trung bình khu vực
Xét tỷ lệ đúng giờ cho thấy Vietnam Airlines và các hãng hàng không Việt không thua quá xa so với các hãng bay châu Á khác, thậm chí còn ít chậm chuyến hơn AirAsia, hãng hàng không giá rẻ kiểu mẫu đến từ Malaysia, có tỷ lệ đúng giờ 79,4% theo VariFlight.
Tuy nhiên với hãng bay Việt mỗi khi chậm chuyến thì thời gian chờ đợi của hành khách lại dài bất thường so với trung bình khu vực.
Theo thống kê, thời gian chậm chuyến trung bình tại châu Á - Thái Bình Dương là khoảng 12,77 phút thì đại diện Vietnam Airlines của Việt Nam có con số này lên tới 57,37 phút, gấp tới 4,5 lần. Hiện không có thông tin về thời gian chậm chuyến trung bình của hai hãng Vietjet Air và Jestar Pacific. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng, thời gian chờ đợi khi bị trễ chuyến của Vietnam Airlines ngắn hơn khá nhiều so với 2 hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air và Jestar Pacific.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm, hủy chuyến được Cục Hàng không xác định là do thời gian quay đầu của máy bay khai thác vượt quá thời gian được quy định. Theo Cục, thời gian quay đầu thực tế trung bình mỗi chuyến bay là khoảng 43,5 phút.
Con số này cũng lý giải cho việc thời gian chậm chuyến của các hãng hàng không Việt. Đồng thời, việc máy bay về muộn vẫn là yếu tố dẫn tới tình trạng chậm hủy chuyến có xu hướng tăng cao, tương tự như nhiều năm trước đó.
Zing.vn liên hệ với đại diện các hãng bay nhưng chưa có phản hồi về việc này.