Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu E Source, chi phí sản xuất pin EV sẽ tăng 22% vào năm 2026 do tình trạng thiếu nguyên liệu thô kéo dài. Điều này đồng thời làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất xe điện trong vòng 4 năm tới.
Trên thực tế, giá của tế bào pin EV đã giảm trong những năm gần đây do sản lượng tăng trên toàn thế giới. Các tế bào pin hiện có giá trung bình là 128 USD cho mỗi kilowatt-giờ (kWh) nhưng con số này vào năm 2023 có thể chỉ là 110 USD/kWh, theo E Source.
Tuy nhiên, sự sụt giảm trong giá pin EV sẽ không kéo dài. E Source ước tính giá pin EV sẽ đạt mức cao nhất là 138 USD/kWh vào năm 2026, sau đó giảm ổn định xuống mức 90 USD/kWh vào năm 2031.
Ông Sam Jaffe, Phó chủ tịch phụ trách giải pháp pin tại E Source cho biết mức tăng đột biến này đến từ nhu cầu lithium ngày càng tăng khi đây là nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất hàng triệu tế bào pin EV.
Theo E Source, chi phí sản xuất pin cao sẽ làm giá bán xe điện tăng từ 1.500 USD đến 3.000 USD/chiếc vào năm 2026, điều này có thể khiến doanh số bán hàng giảm từ 5-10%.
Trước đó, các nhà điều hành công ty trong lĩnh vực xe điện đã cảnh báo về sự cần thiết của việc khai thác nguyên liệu thô phục vụ cho quá trình sản xuất pin.
CEO Ford, ông Jim Farley từng kêu gọi tăng tốc việc khai thác vào tháng trước khi công ty này ra mắt mẫu xe F-150 Lightning chạy hoàn toàn bằng điện. Trong khi đó, CEO Tesla Elon Musk thậm chí đã thúc giục đẩy nhanh việc khai thác Niken từ năm 2020.
Mặc dù được sự đồng ý và ủng hộ của chính phủ, số lượng các dự án khai thác nguyên liệu thô vẫn còn rất ít.
“Với việc giá của lithium tăng gần 900% trong 18 tháng qua, đáng lẽ sẽ có hàng chục dự án khai thác lithium mới được cấp vốn để thành lập. Tuy nhiên, các khoản đầu tư lại diễn ra nhỏ giọt và hầu hết đến từ Trung Quốc, để phục vụ các chuỗi cung ứng của quốc gia này”, E Source nêu trong báo cáo.