Theo Ron Friedman, một nhà tâm lý học xã hội từng đạt nhiều giải thưởng lớn và tác giả của cuốn sách "The Best Place to Work", có tới 81% ứng viên xin việc nói dối trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng.
Đó là một trong những lý do khiến Elon Musk, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất ô tô điện Tesla luôn đặt ra một câu hỏi đơn giản khi nghi ngờ một ứng viên đang nói dối về kinh nghiệm của mình: "Vấn đề khó khăn nhất mà bạn gặp phải là gì và bạn đã giải quyết chúng như thế nào?".
Thoạt đầu, câu hỏi này có vẻ vô hại như bao câu hỏi khác nhưng trên thực tế, đây lại là một công cụ hữu ích giúp không chỉ Elon Musk mà các nhà tuyển dụng khác đánh giá được mức độ trung thực của người xin việc.
Phát biểu tại một Hội nghị thượng đỉnh ở Dubai, tỷ phú công nghệ 47 tuổi chia sẻ rằng câu hỏi này "rất quan trọng" và có thể tiết lộ vai trò thực sự của ứng viên trong công ty cũ hoặc một dự án họ từng tham gia.
Qua câu hỏi, Elon Musk nói rằng ông sẽ biết được liệu người nộp đơn có thực sự là người trực tiếp tìm giải pháp cho vấn đề không hay chỉ đơn thuần là một thành viên trong nhóm chịu trách nhiệm về dự án.
Musk giải thích: "Những người thực sự có kinh nghiệm sẽ biết chính xác cách họ giải quyết vấn đề. Họ biết rõ từng chi tiết nhỏ và có khả năng trả lời sâu về việc họ gặp khó khăn như thế nào và sử dụng chiến lược để khắc phục chúng ra sao". Theo nhà đồng sáng lập Tesla, ứng viên giỏi là người có thể trả lời câu hỏi của ông ở "cấp độ cao".
Mặt khác, những người giả vờ rằng mình là người giải quyết vấn đề chỉ có thể nói dối đến một mức độ nhất định và sau đó rơi vào thế bí. Khi ứng viên trả lời không đủ "sâu", Elon Musk biết rằng thực chất họ không phải người có kinh nghiệm như đã nói. Theo đánh giá của vị tỷ phú, "bất cứ ai từng đối mặt và vượt qua thách thức trong công việc đều không thể quên được điều đó".
Chuyên gia đào tạo phỏng vấn Barry Drexler cho biết, là một ứng viên, điều quan trọng mà mọi người cần nhớ là bạn sẽ không thể đáp ứng mọi yêu cầu được liệt kê trong bản mô tả công việc. Chính vì vậy, đừng cố nói dối vì các nhà tuyển dụng sẽ phát hiện ra điều bất thường và việc bạn thiếu kinh nghiệm trong một mảng nào đó cũng không nghiêm trọng bằng việc nói dối. Hơn nữa, các nhà tuyển dụng có thể chấp nhận được việc ứng viên thiếu một kỹ năng nào đó, còn việc người đó nói dối thì không!
Theo Drexler, tốt hơn hết hãy thành thật về thiếu sót của bản thân nhưng đừng quên trả lời theo hướng tích cực. Chẳng hạn như khi được hỏi về một kỹ năng đang thiếu, hãy giải thích những gì bạn biết về kỹ năng đó, đưa ra ví dụ về những kỹ năng tương tự mà bạn có và thể hiện mình là người sẵn sàng học hỏi để tiến bộ.
Cụ thể hơn, nếu người phỏng vấn hỏi bạn có kinh nghiệm quản lý hay không, câu trả lời ghi điểm sẽ là: "Tôi không có nhiều kinh nghiệm quản lý nhưng trước đây tôi từng dẫn dắt một số dự án khác nhau. Trách nhiệm của tôi là giao nhiệm vụ cho các đồng nghiệp và tổng hợp kết quả. Vậy nên tôi cho rằng mình có khả năng quản lý một nhóm và luôn sẵn sàng học hỏi từ những người xung quanh".