Ngày pháp luật

Thị trường xuất khẩu sẽ khốc liệt hơn

Nhật Thu

Năm 2022, bất chấp những khó khăn của kinh tế thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Nhưng thị trường xuất khẩu năm 2023 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Kịp thời nhận diện rào cản thương mại

Năm 2022 được đánh giá là một năm nhiều thách thức đối với thị trường thế giới bởi tính dị biệt của thị trường và tính khó lường của chính trị thế giới. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam lại đạt được nhiều kết quả lớn, trong đó, điểm sáng là xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch đạt 732,5 tỷ USD. Năm 2022 cũng là năm thứ 7 liên tiếp đạt thặng dư thương mại lên đến 11,2 tỷ USD.

Mới nhất, trong tháng 1/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 46,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 25,08 tỷ USD, nhập khẩu đạt 21,47 tỷ USD, xuất siêu 3,6 tỷ USD. Thế nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, năm 2023, dự báo thách thức gấp nhiều lần năm vừa qua, thị trường và chính trị có diễn biến khó lường, cạnh tranh thương mại phức tạp, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu.

Do đó, các hệ thống liên quan đến các thị trường xuất khẩu cần phải tăng cường hoạt động mạnh mẽ để vừa bảo vệ thành quả của những thị trường truyền thống đồng thời mở rộng thêm các thị trường mới. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, hệ thống thương vụ và xúc tiến thương mại phải chú trọng nắm bắt chủ trương, chính sách mới của nước sở tại (cả trong chính trị và kinh tế), nhất là những rào cản về kỹ thuật để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ… có đối sách hợp lý nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng quốc gia, dân tộc và quan trọng là quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và châu Âu (EU), ngày 27/1/2023, Uỷ ban Châu Âu đã đăng công báo sửa đổi về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Theo đó, đối với Việt Nam, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% tại lần thông báo trước như rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. Hiện tại chỉ còn ớt nằm trong danh mục kiểm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%.

Tuy nhiên, đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%. Thanh long và mỳ tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo, tức là bắt đầu từ ngày 15/2/2023.

Dự báo tình hình xuất khẩu năm 2023 sẽ có nhiều khốc liệt. (Ảnh minh họa)
Dự báo tình hình xuất khẩu năm 2023 sẽ có nhiều khốc liệt. (Ảnh minh họa)

Nhiều thị trường sẽ bị cạnh tranh khốc liệt

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, hiện một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tại Canada như nhóm sản phẩm chè, cà phê và gia vị có mức tăng đột biến so với năm 2021. Riêng mặt hàng quế, các siêu thị lớn của Canada (như Costco, Walmart) đã nhập khá nhiều quế có nguồn gốc từ Việt Nam (8,6 triệu USD), với mức tăng 43,3%, do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm 50% thị phần tại Canada trong những năm tới.

Ngoài ra, thị trường dệt may Canada cũng sẽ có nhiều dư địa khi tổng quy mô thị trường này đối với nhóm hàng dệt may khoảng từ 5 - 6 tỷ USD/năm. Năm 2022, nhu cầu nhập khẩu của Canada đối với nhóm mặt hàng này tăng đến 30,1% so với 2021. Trong khi đó, hiện Việt Nam là nước đứng thứ ba về xuất khẩu vào Canada, sau Trung Quốc, Campuchia. Theo bà Quỳnh, đây cũng là vị trí Việt Nam mới giành được từ 2 năm nay sau khi thực thi CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương) từ Bangladesh. “Tuy nhiên, với nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung của Canada, các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka đang nổi lên như là các đối thủ cạnh tranh rất mạnh nhờ năng lực hoàn thiện các mặt hàng có độ khó cao” - bà Quỳnh lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cũng cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân Bắc Âu, xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế, thân thiện với môi trường, bền vững, tái sử dụng vẫn sẽ tiếp tục được ưa chuộng tại Bắc Âu. “Người mua châu Âu ngày càng có xu hướng tìm kiếm các nhà cung cấp sản xuất bền vững, minh bạch, và có thể chịu trách nhiệm” - bà Thúy nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trương Xuân Trung - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) cho hay, UAE là thị trường đặc thù, sản xuất không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Do đó, Việt Nam cần tranh thủ xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như thủy sản; nông sản (chanh không hạt, thanh long, dưa hấu, dừa tơi, quả bưởi, hạt điều, hạt tiêu); túi xách, vali, ví; gỗ và sản phẩm từ gỗ; giày dép và mặt hàng điện, dây cáp điện vì hiện nay quy mô thị trường mặt hàng này rất lớn.

Ông Trung cũng lưu ý, mặc dù UAE là thị trường mở nhưng cạnh tranh rất khốc liệt về giá và chất lượng. Giá nào cạnh tranh thì sẽ nhập, kể cả khi đang nhập hàng hóa từ doanh nghiệp Việt Nam, nhưng nếu UAE nhận thấy giá của doanh nghiệp Việt cao hơn thì họ sẽ ưu tiên tìm nguồn nhập có giá thấp hơn. Bởi vậy, doanh nghiệp Việt cần lưu ý về giá cả cạnh tranh, ngay cả khi đã chứng minh được chất lượng ổn định.

Tin Cùng Chuyên Mục