Thị trường tiền tệ
Lãi suất liên ngân hàng đã giảm khá mạnh nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hỗ trợ thanh khoản cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm giúp đỡ các đối tượng bị ảnh hưởng qua kênh thị trường mở trong suốt thời gian bùng phát dịch Covid-19.
NHNN đã bơm ròng gần 20 nghìn tỷ đồng vào hệ thống qua kênh thị trường mở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 3,5% để hỗ trợ hệ thống NHTM trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề có nguồn vay với lãi suất phù hợp.
Do được hỗ trợ thanh khoản từ NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã giảm đáng kể. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm 51 điểm cơ bản từ cuối tháng 3, từ 2,04%/năm còn 1,53%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 1 tuần-1 tháng cũng giảm khoảng 32-36 điểm cơ bản từ ngày 31/3.
Sau giai đoạn tăng khoảng 2% vào cuối tháng 3 thì tỷ giá USD/VND đã ổn định trở lại. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giao dịch ở mức ngày 15/4 giao dịch 23.590 đồng/USD, giảm 185 đồng từ đầu tháng.
Tương tự, tỷ giá liên ngân hàng cũng giảm 165 đồng về mức 23.435 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm vẫn đi ngang trong suốt giai đoạn vừa qua, giảm 8 đồng từ 31/3, giao dịch ở mức 23.227 đồng/USD.
MBS đánh giá với sự điều hành hợp lý của NHNN và lượng dự trữ ngoại hối dồi dào, tỷ giá năm nay sẽ không có nhiều biến động.
Thị trường trái phiếu Chính phủ
Thị trường sơ cấp
Trái phiếu Chính phủ (TPCP) sơ cấp không được ưa chuộng khi chỉ có 6% lượng trái phiếu chào bán trong kỳ được mua, lợi suất trúng thầu vẫn ở quanh vùng thấp lịch sử.
Trong bối cảnh dịch bệnh gây áp lực lên doanh nghiệp và người dân, chính phủ cần chi rất nhiều tiền để hỗ trợ những đối tượng này. Do đó, các nhà đầu tư đã kỳ vọng lợi suất trái phiếu sẽ tăng. Trong khi lợi suất TPCP thứ cấp đã tăng cao từ đầu năm thì lợi suất trúng thầu vẫn ở quanh vùng thấp lịch sử. Do đó, trong kỳ chỉ có 532 tỷ đồng trái phiếu trúng thầu trong tổng số 9.500 tỷ đồng chào bán, tương đương mức 6%.
Lợi suất trúng thầu trong tháng 3 kỳ hạn 10N và 15N trong kỳ lần lượt là 2,28%/năm và 2,63%/năm, tăng 10-12 điểm cơ bản so với lợi suất trúng thầu trong tháng 3. Hiện tại, Kho bạc Nhà nước mới phát hành được 13% tổng số trái phiếu theo kế hoạch. Với việc cần phải đẩy mạnh chi tiêu chính phủ, dự kiến lợi suất TPCP sẽ tăng trong thời gian tới để thu hút nhà đầu tư.
Thị trường thứ cấp
Lợi suất TPCP thứ cấp sau đợt tăng khá mạnh cuối tháng 3 thì hiện đã giảm trở lại. Thị trường TPCP thứ cấp giao dịch ảm dạm, giá trị bình quân ngày đạt mức thấp nhất từ tháng 11/2018. Nửa đầu tháng 4, khối ngoại đã mua ròng trở lại 1.021 tỷ đồng.
Lợi suất TPCP thứ cấp sau nửa tháng hồi phục mạnh mẽ thì đã giảm trở lại. So với cuối tháng 3, lợi suất TPCP kỳ hạn 2N đã giảm 33 điểm cơ bản, từ 2,67%/năm về mức 2,39%/năm. Lợi suất kỳ hạn 10N giảm 20 điểm cơ bản, từ 3,54%/năm về 3,35%/năm. Tuy giảm nhưng mức lợi suất ngắn hạn hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với mức đầu năm.
Có thể thấy, thị trường TPCP thứ cấp hoạt động ảm đạm, giá trị giao dịch trung bình 6.571 tỷ đồng/ngày, bằng 47% so với mức bình quân tháng 3. Khối lượng giao dịch thông thường chiếm 48% tổng giá trị giao dịch, tương đương mức 31,6 nghìn tỷ đồng. Bình quân giao dịch 3,2 nghìn tỷ đồng/ngày, giảm 38% so với mức bình quân tháng 3.
Giao dịch repo chiếm 52% thanh khoản thị trường, đạt 34 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 3,4 nghìn tỷ đồng/ngày, giảm 38% so với bình quân tháng trước. Trong kỳ khối ngoại đã mua ròng trở lại 1.021 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, NĐTNN đã bán ròng 1.838 tỷ đồng TPCP.
Nguồn: MBS