Ngân hàng Nhà nước mới đây đã cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho CTP Thanh toán G (G Pay), qua đó nâng tổng số các công ty không phải ngân hàng được thực hiện nghiệp vụ này lên 33 doanh nghiệp.
G Pay là một trong các công ty thuộc hệ sinh thái CTCP Tập đoàn G – Group với vốn điều lệ 50 tỷ đồng - cũng là mức vốn tối thiểu đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. G Group hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 89% G Pay, bên cạnh hai cổ đông cá nhân là ông Hà Trung Kiên (CEO G Pay) và ông Phùng Anh Tú.
Ngoài G Pay, G Group còn 7 công ty thành viên khác với thương hiệu được biết đến khá nhiều trên thị trường như Tima là một trong các công ty tài chính công nghệ (fintech) đầu tiên cung cấp nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng (P2P), hay CTCP Công nghệ Gapo là đơn vị quản lý Gapo, mạng xã hội “made in Vietnam” ra mắt hồi tháng 7/2019. Theo giới thiệu của công ty, số lượng khách hàng/người dùng trong hệ sinh thái là khoảng hơn 20 triệu người.
G Pay thành lập từ tháng 3/2018 và thực tế đã phát hành, đưa vào sử dụng ứng dụng từ tháng 10/2018. Tính năng lớn nhất theo giới thiệu của đơn vị này là hình thức chuyển tiền nhanh thông qua đội ngũ nhân viên chuyển tiền, bên cạnh một số tính năng khác như thanh toán hóa đơn, mua thẻ game, thẻ cào điện thoại… Chính thức sở hữu giấy phép là điều kiện để G Pay có thể tham gia sâu hơn trong lĩnh vực trung gian thanh toán.
Tuy vậy, nhìn lại danh sách hơn 30 doanh nghiệp đang sở hữu giấy phép, khá nhiều công ty vẫn chưa để lại dấu ấn trên thị trường thanh toán điện tử. Sớm được NHNN cho phép tham gia vào lĩnh vực này từ năm 2015, CTCP Dịch vụ Thương Mại Việt Nam Trực tuyến, từng được giới thiệu là thành viên của Yeah1 còn nay hiện là công ty thuộc sở hữu của cổ đông Tập đoàn này, cũng đã ra mắt sản phẩm ví điện tử WebMoney. Ngay từ đầu, ví điện tử này đã được kỳ vọng cung ứng ra thị trường dịch vụ mua sắm trực tuyến, chuyển nhận tiền, thanh toán hóa đơn, mua vé máy bay... Tuy nhiên, sự xuất hiện quá sớm khi nhu cầu về thanh toán điện tử mới chỉ manh nha phát triển là yếu tố không thuận lợi cho WebMoney.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Yeah 1 đã thống nhất chủ trương về việc đầu tư thành lập một pháp nhân mới với vốn điều lệ 100 tỷ đồng để thiết kế, xây dựng, vận hành, khai thác và phát triển ứng dụng cổng trung gian thanh toán. Tuy nhiên, Yeah 1 sẽ không tham gia trực tiếp mà chỉ góp 20 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%.
"Pháp nhân mới sẽ là đối tác, khách hàng sử dụng nguồn lực truyền thông của Yeah 1 để phát triển người dùng. Số tiền góp vốn này đã được cam kết dùng toàn bộ để sử dụng các dịch vụ truyền thông của Yeah 1 trong thời gian 12 tháng" Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết. Ngoài ra, các nhóm cổ đông khác sẽ chịu trách nhiệm về công nghệ, giấy phép cùng các hoạt động kết nối với ngân hàng, các điểm chấp nhận thanh toán và vốn hoạt động.
Một điểm khá tương đồng giữa hệ sinh thái của G Group và Yeah 1 khi cả hai công ty đều đang hướng đến người dùng trên internet. Nếu như G Group có mạng xã hội Gapo, trang mạng xã hội về eSport (GameTV) hay cộng đồng Beat.vn, Yeah 1 cũng đang vận hành các kênh truyền hình, âm nhạc UM Channel, quản lý và cung cấp giải pháp số cho hơn 70 fanpage trên mạng xã hội facebook của đối tác và trên 80 fanpage tự sở hữu với tổng lượt xem 21,6 tỷ lượt năm 2019. Tương lai gần, Yeah 1 đang có kế hoạch hợp tác phát triển nền tảng mạng xã hội video cho người nổi tiếng tại Việt Nam dự kiến ra mắt vào tháng 4/2020.
Sự nhập cuộc của G Pay và tương lai là pháp nhân do Yeah 1 góp vốn sẽ mang một màu sắc mới cho thị trường thanh toán điện tử vốn vẫn đang ở giai đoạn mở rộng quy mô này. Trong khoảng thời gian giãn cách toàn xã hội vì dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử đang đón nhận cú hích tăng trưởng. Các giao dịch trực tuyến đang trở nên phổ biến cả với những khách hàng vốn rất khó tiếp cận trước đây.