Rúng động các vụ án “VIP”
Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC để điều tra tội thao túng TTCK.
Sự kiện này làm rúng động dư luận bởi cái tên Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC đã quá quen thuộc gắn liền với những dự án bất động sản tầm cỡ trải dài khắp đất nước và mới đây là Hãng hàng không Bamboo. Sau khi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt thì một số lãnh đạo và thành viên của FLC cũng vướng vào vòng lao lý.
Vụ việc vẫn đang chưa hết “nóng” thì 1 tuần sau, ngày 5/4, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt giam ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng vướng vòng lao lý còn có 6 người khác bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Ông Đỗ Anh Dũng và Tập đoàn Tân Hoàng Minh là cái tên khá nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản và gần đây nhất là vụ việc rút đấu giá đất Thủ Thiêm, chịu mất cọc 600 tỷ đồng.
Chưa đầy 2 tuần sau, ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an lại ra Quyết định khởi tố vụ án “Thao túng TTCK” xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán Trí Việt, Công ty CP Louis Holdings; Công ty CP Louis Capital; Công ty CP Louis Land và các đơn vị liên quan. Đồng thời ra quyết định khởi tố và bắt tam giam đối với lãnh đạo, nhân viên các công ty này, trong đó có ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings, thành viên HĐQT Công ty CP Louis Capital, Công ty CP Louis Land; Ông Đỗ Đức Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt.
Sau các vụ án “VIP” bị khởi tố, nhất là vụ “nhóm Louis” bị bắt vì nghi vấn thao túng giá, TTCK nhuộm trong sắc đỏ, chốt phiên giao dịch ngày 23/4, VN- Index chỉ còn 1.248,53 điểm, so với 1.455,22 chốt phiên ngày 27/3, trước thời điểm Chủ tịch FLC Trịnh văn Quyết bị bắt 2 ngày…
Không để “con sâu làm rầu nồi canh”…
Ngày 22/4, tức là 2 ngày sau vụ “nhóm Louis” bị bắt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định thông điệp quyết tâm làm lành mạnh thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, những vụ việc xảy ra liên quan đến thị trường vốn trong thời gian gần đây có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo và trong thời gian dài việc giám sát, kiểm tra không được đẩy mạnh.
“Tất cả chúng ta có mặt ở đây hôm nay và nhiều người đều đặt câu hỏi tại sao lại có vụ việc phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh? Tại sao lại có việc thao túng chứng khoán của Chủ tịch FLC hay Công ty chứng khoán Trí Việt...? Và sẽ có nhiều nữa câu hỏi liên quan đến việc phát hành trái phiếu, đến TTCK... Nếu chúng ta không làm quyết liệt, “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn, đến niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chúng ta phải suy nghĩ và hành động về việc đó…” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Khẳng định TTCK trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, là kênh quan trọng huy động vốn trung và dài hạn, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng quy mô thị trường còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và cũng bộc lộ những hạn chế, gây bức xúc cho nhà đầu tư trong giai đoạn gần đây.
“Tôi nghe rất nhiều phàn nàn về hiện tượng nghẽn lệnh, ứng dụng công nghệ, quản lý thị trường chưa tốt, tình trạng làm giá thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường, chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý, xử phạt còn bất cập... Thông tin công bố của một số DN đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác. Có những DN thậm chí làm ăn thua lỗ nhưng giá chứng khoán tăng tính bằng nhiều lần, không theo quy luật nào...Rồi nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi liệu có hay không việc thao túng, làm giá của chính các công ty chứng khoán, hình thức xử phạt chưa phù hợp... Vì những việc đó, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý nghiêm sai phạm để làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ nhà đầu tư…”- Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay.Nhìn rộng ra cả thị trường tiền tệ, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, thị trường này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại hiện hữu như tình trạng sở hữu chéo, nợ xấu tiềm ẩn sau đại dịch Covid-19 có thể sẽ gia tăng, khó khăn trong việc thực hiện tái cơ cấu và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Bên cạnh đó, hiện tượng sử dụng vốn không đúng mục đích vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sử dụng vốn vay không đúng mục đích trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán... thậm chí thành lập nhiều công ty “sân sau” để vay vốn ngân hàng, chuyển vốn lòng vòng...
“Ai vi phạm phải xử lý nhưng quan trọng nhất là bảo vệ các nhà đầu tư chân chính chiếm đại đa số trên thị trường, xử một người để cứu nhiều người, bảo vệ đa số các nhà đầu tư…” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Sẽ có Diễn đàn thị trường vốn hàng năm
Liên quan đến sự lành mạnh của TTCK, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt là liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin DN, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường như cơ quan quản lý Nhà nước, DN, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin, đặc biệt là xử lý nghiêm tình trạng thao túng, làm giá, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng nghẽn lệnh và đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những DN tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng cho mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Sau hội nghị này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Dự thảo và sớm trình Chính phủ ban hành văn bản phù hợp về phát triển ổn định thị trường vốn.
Thủ tướng cũng nhất trí về đề xuất tổ chức định kỳ diễn đàn về thị trường vốn hằng năm; Tổ chức diễn đàn về thị trường bất động sản trong tháng 5/2022.
TS.Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV):
“Cơ hội để lành mạnh thị trường…”
“Chúng ta cần coi những vụ việc trong thời gian vừa qua như là cơ hội để lành mạnh thị trường. Các nước khác cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy khi thị trường còn non trẻ. Chúng ta vừa kiến tạo nhưng vẫn phải kiểm soát rủi ro. Đây là quan điểm rất quan trọng. Cùng với đó, cần sớm giải quyết những vụ việc trên thị trường vừa qua, vừa khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư, qua đó củng cố niềm tin vào thị trường. Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, quy chế quản lý thị trường, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư theo thông lệ, có chế tài mạnh hơn song vẫn tạo điều kiện sáng tạo tài chính, tài chính xanh phát triển…”
Ông Zafer Mustafaoglu - Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Cạnh tranh và Đổi mới Sáng tạo, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới:
“Không nên đốt cả ngôi nhà để giết một con chuột…”
“Nhìn vào những nhiễu loạn hiện nay trên thị trường, chúng tôi muốn lưu ý rằng thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ. Vì vậy, chuyện xấu vẫn có thể xảy ra ngay cả đối với các thị trường phát triển ở trình độ cao. Quan trọng hơn là cách thức chúng ta học hỏi từ sai lầm. Không nên tránh không làm nữa mà nên làm theo cách tốt hơn. Không nên đóng lại một vài kênh phát hành/đầu tư chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu. Không nên đốt cả ngôi nhà chỉ để giết một con chuột…”
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:
“Cơ quan quản lý Nhà nước phải biết trước và thực hiện vai trò của mình…”
“Chúng ta đang thực hiện các giải pháp giúp cho thị trường tài chính phát triển nhanh và bền vững. Việc chúng ta cần phải ngăn chặn việc lũng đoạn thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy câu các cụ nói là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trong việc xảy ra lũng đoạn thị trường thì có việc bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước phải biết trước điều này và thực hiện vai trò của mình. Do đó cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan giao trách nhiệm kiểm soát thị trường. Tôi cũng rất đồng tình với việc Thủ tướng nói chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế nhưng những ai cố tình làm hại thị trường thì phải xử lý…”