Theo số liệu của Công ty chứng khoán HSC, doanh thu từ thị trường trong nước 6 tháng đầu năm tăng 3,2% so với cùng kỳ, lên 22.207 tỷ đồng, đóng góp 86% vào tổng doanh thu. Tuy nhiên, doanh thu từ các sản phẩm chủ đạo gồm sữa và đồ uống lại giảm 1,4% so với cùng kỳ và doanh thu nội địa của Vinamilk tăng nhờ thương vụ mua lại Vietsugar. Công ty này đóng góp 900 tỷ đồng vào doanh thu thuần cho Vinamilk.
Theo nhận định của HSC, doanh thu Vinamilk tăng trưởng chậm do sự suy giảm tăng trưởng của thị trường nội địa, xuất khẩu giảm và các công ty con ở nước ngoài không tăng trưởng.
HSC đánh giá, nhu cầu trong ngành đã có xu hướng đi xuống rõ ràng. Theo Kantar World Panel (chuyên gia hàng đầu thế giới về hành vi người mua hàng), thì trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành sữa của Việt Nam chứng kiến sự suy giảm 4% về giá trị tại khu vực thành thị và sự tăng trưởng 2,5% tại khu vực nông thôn. Tổng dung lượng của thị trường FMCG cũng tăng trưởng chậm hơn tại cả thị trường thành thị và nông thôn, lần lượt là 3,6% và 4,2% trong 5 tháng đầu năm 2018 trong khi cùng kỳ năm ngoái là 4,9% và 4,9%.
Nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm lại là do kỳ vọng và nhu cầu của khách hàng đã thay đổi. Người mua hàng có xu hướng giảm chi tiêu cho hàng bách hóa và tăng chi tiêu cho các sản phẩm không phải là FMCG như ăn uống tại các nhà hàng, mua các sản phẩm giá trị cao, giải trí và công nghệ.
Doanh thu Vinamilk tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nhờ M&A Vietsugar.
Theo HSC, sự hiện diện của mảng bán hàng trực tuyến trên thị trường sữa ngày càng tăng, đặc biệt là trong phân khúc sữa công thức cho trẻ sơ sinh. Hiện tại, có một loạt các nhà bán lẻ trực tuyến bán nhiều loại sản phẩm từ sữa và cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà. HSC cho rằng phần doanh số bán hàng này chưa được các công ty nghiên cứu thị trường nắm bắt tốt và kết quả là có khả năng đánh giá thấp tổng dữ liệu doanh thu của ngành.
Dĩ nhiên, đây là một kênh hoàn toàn mới, và đang phát triển nhanh chóng đặc biệt là ở các khu vực đô thị với tuýp người mua sắm thuộc tầng lớp trung lưu trẻ thích sự tiện lợi. Và quan trọng, có vẻ như những mặt hàng bán chạy nhất thông qua kênh trực tuyến là các thương hiệu được nhập khẩu, chủ yếu là từ Nhật Bản và châu Âu. Các sản phẩm này đang cạnh tranh mạnh mẽ với Vinamilk và các công ty khác tại Việt Nam. Theo quan điểm của HSC, điều này đưa ra lời giải thích thỏa đáng nhất cho những gì đang xảy ra trên thị trường sữa. Mặc dù bằng chứng để hỗ trợ cho quan điểm này chưa có chi tiết cụ thể do không có số liệu theo dõi.
Tăng trưởng của Vinamilk hiện giảm về mức một chữ số đối với cả doanh thu và lợi nhuận khi mà thị trường sữa đã tương đối bão hòa và việc gia tăng thị phần sẽ khó khăn hơn do Vinamilk đã ở vị thế áp đảo ở hầu hết các phân khúc.
Do đó, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk nhiều khả năng sẽ ở mức tương đương với ngành sữa. Vì vậy, công ty có thể phải tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới và có thể là thông qua M&A.
Trong bối cảnh tăng trưởng chậm và bão hòa, Vinamilk mới đây vẫn tiếp tục rót hàng nghìn tỷ đầu tư trang trại nuôi bò sữa. Công ty mới đây đã ký thỏa thuận với Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) xây dựng tổ hợp trang trại bò sữa trên diện tích 6.000ha. Theo đó, Vinamilk sẽ đầu tư 4.000 tỷ đồng để nuôi 22.000 con bò sữa. Dự án sẽ được tiến hành theo nhiều giai đoạn, tuy nhiên trước mắt chưa có thông tin cụ thể về thời gian thực hiện. Cùng với nhà máy chế biến và hệ thống phân phối hiện tại, Vinamilk mong muốn hoàn tất chuỗi giá trị từ nuôi bò sữa đến bán sản phẩm sữa.
Hiện nay, Vinamilk có hơn 140.000 con bò sữa, trong đó 120.000 con giao khoán cho người nông dân, còn lại 20.000 con là công ty tự nuôi tại trang trại của mình.