Ngày pháp luật

Thị trường smartphone cũ tiếp tục tăng trưởng, doanh số dự báo đạt hơn 400 triệu chiếc vào năm 2026

Linh Phương

Sự tăng trưởng của thị trường smartphone đã qua sử dụng tiếp tục tăng trưởng, dự báo có 413,3 triệu chiếc điện thoại thông minh đã qua sử dụng sẽ được xuất xưởng vào năm 2026.

Ngày nay, điện thoại thông minh được coi là một thứ thiết yếu hơn là một món hàng xa xỉ, nhưng đối với hàng tỷ người trên toàn thế giới, việc sở hữu một chiếc smartphone vẫn còn quá đắt đỏ.

Vậy nên, họ sẽ chọn điện thoại thông minh đã qua sử dụng và hàng tân trang để thay thế. Trong vài năm qua, thị trường điện thoại thông minh đã qua sử dụng tăng trưởng, bất chấp việc thị trường điện thoại thông minh toàn cầu nói chung đang chứng kiến sự sụt giảm vào năm ngoái.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu xấu đi, người tiêu dùng đã hạn chế mua sắm smartphone mới. Việc nhu cầu giảm mạnh trên thị trường smartphone mới đã dẫn đến sự sụt giảm hàng quý lớn nhất từ trước đến nay. 

Thị trường smartphone cũ tiếp tục tăng trưởng, doanh số dự báo đạt hơn 400 triệu chiếc vào năm 2026 - Ảnh 1

Báo cáo của International Data Corporation (IDC), một đơn vị theo dõi dữ liệu thị trường, ước tính rằng các lô hàng điện thoại thông minh đã qua sử dụng trên toàn thế giới, bao gồm cả điện thoại thông minh đã qua sử dụng và được tân trang lại, đạt 282,6 triệu chiếc vào năm 2022. Con số này phản ánh mức tăng 11,5% so với mức 253,4 triệu chiếc được vận chuyển vào năm 2021.

Ngược lại, số lượng lô hàng smartphone tổng thể xuất xưởng năm 2022 đạt mức 1,21 tỷ chiếc, giảm 11,3% so với năm trước.

Trên thực tế, báo cáo của IDC cũng chỉ ra, số lượng lô hàng smartphone xuất xưởng tổng thể trong năm 2022 là mức thấp nhất kể từ năm 2013, do nhu cầu của người tiêu dùng giảm đáng kể, kết hợp với các yếu tố khác như lạm phát và bất ổn kinh tế.

Giám đốc nghiên cứu IDC Anthony Scarsella lưu ý, thị trường smartphone đã qua sử dụng có thể tăng trưởng 11,5% vào năm 2022 nhờ mức phục hồi 6,1% mà các chuyên gia đã chứng kiến ở thị trường mới vào năm 2021.

“Các thiết bị đã qua sử dụng thể hiện khả năng phục hồi tốt hơn so với điện thoại thông minh mới về yếu tố doanh số bán hàng khi nhu cầu của người tiêu dùng vẫn tăng ở nhiều khu vực”, ông nói thêm.

Scarsella cho biết, mức giá hấp dẫn rất quan trọng đối với tăng trưởng vì tiết kiệm chi phí vẫn là lợi ích chính ở thời điểm hiện tại.

“Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm hàng tồn kho cao cấp do chu kỳ làm mới kéo dài đối với thị trường smartphone mới đã khiến giá smarphone đã qua sử dụng tăng hơn 11% vào năm 2022”, ông nói thêm.

Thị trường smartphone cũ tiếp tục tăng trưởng, doanh số dự báo đạt hơn 400 triệu chiếc vào năm 2026 - Ảnh 2

Các yếu tố khiến tổng số lượng lô hàng smartphone xuất xưởng thấp có thể là lý do điện thoại thông minh đã qua sử dụng và tân trang lại có doanh số và lô hàng tăng. Theo phân loại của IDC, điện thoại thông minh được tân trang là những thiết bị được chủ sở hữu sử dụng và thải bỏ tại điểm thu gom.

Khi thiết bị đã được kiểm tra và phân loại là phù hợp để tân trang, thiết bị đó sẽ được gửi đến một cơ sở để tân trang lại và cuối cùng được bán thông qua kênh bán trên thị trường thứ cấp.

Một chiếc điện thoại thông minh đã được tân trang lại không phải là "hàng đã qua sử dụng" hoặc có được do mua bán hoặc trao đổi giữa người với người.

Thời đại của điện thoại thông minh đã qua sử dụng đang đến

IDC kỳ vọng, sự tăng trưởng của thị trường smartphone đã qua sử dụng sẽ tiếp tục diễn ra khi công ty dự báo có 413,3 triệu chiếc điện thoại thông minh đã qua sử dụng sẽ được xuất xưởng vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,3% từ năm 2021 đến năm 2026.

Thị trường smartphone cũ tiếp tục tăng trưởng, doanh số dự báo đạt hơn 400 triệu chiếc vào năm 2026 - Ảnh 3

IDC cho rằng, các chương trình đổi trả tiếp tục là yếu tố thúc đẩy thị trường điện thoại thông minh mới và đã qua sử dụng toàn cầu. “Chúng tôi đã chứng kiến các chương trình mới ra mắt thành công trên nhiều thị trường, nơi trao đổi vẫn là một khái niệm mới đối với người tiêu dùng địa phương.

Ngoài ra, tại các thị trường trưởng thành như Mỹ, Canada và Tây Âu, hoạt động trao đổi tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh chu kỳ làm mới thông qua các chương trình khuyến mãi theo hướng bán lẻ và viễn thông. Điều này đã góp phần làm tăng giá trị trao đổi”, báo cáo nêu rõ.

IDC tin rằng, việc tăng doanh số bán các thiết bị giá cao hơn trên thị trường mới đã tạo ra hiệu ứng vòng tròn, vì nhiều giao dịch mua bán tích cực này chủ yếu xuất hiện trên các thiết bị cao cấp.

“Những ưu đãi đối với các chương trình trao đổi này kéo dài bao lâu vẫn là một câu hỏi lớn đối với cả người mua và người bán. Cuối cùng, tỷ suất lợi nhuận thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận chung của kênh, nhà cung cấp hoặc có thể là cả hai”, IDC cho biết thêm.

Tin Cùng Chuyên Mục