Mở rộng hệ sinh thái là mục tiêu tiên quyết của những tay chơi siêu ứng dụng nhằm đảm bảo độ phủ của dịch vụ, hướng đến đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày của người dùng. Cuộc đua ở thế trận bành trướng hệ sinh thái theo đó cũng là một trong những cuộc đua khốc liệt nhất trên thị trường siêu ứng dụng.
Mở rộng hệ sinh thái
Có thể thấy GoViet và be, dù là hai tân binh gia nhập thị trường sau nhưng vẫn có riêng cho mình lộ trình nhất định. GoViet hiện đang triển khai ba dịch vụ bao gồm dịch vụ đặt xe GoBike, giao hàng GoSend và giao thức ăn GoFood. Ngoài ra, dịch vụ thanh toán di động GoPay cũng đang được hãng ráo riết chuẩn bị giấy phép, trong khi GoCar thì đang trong giai đoạn tuyển dụng nhân sự để triển khai.
Trong khi be, dù là “tân binh” chỉ hơn một năm tuổi nhưng cũng nắm trong tay hệ sinh thái tương đối đầy đủ với các dịch vụ beBike, beCar, beExpress, beDelivery và mới đây là beLoyalty. Tuy nhiên, vừa qua be tuyên bố tạm ngừng mảng giao đồ ăn trực tuyến, nhằm tập trung nguồn lực cho dịch vụ gọi xe. Chiến lược này phần nào thể hiện được sự thận trọng nhất định của be với sân chơi vốn đã “thiêu đốt” không ít tên tuổi như LaLa, Vietnammm.
Đi trước là một trong những lợi thế giúp các siêu ứng dụng dễ dàng dẫn đầu cuộc đua.
Về phần Grab, nền tảng này đặt chân vào thị trường Việt Nam từ sớm với dịch vụ đầu tiên là đặt xe công nghệ và nhanh chóng hình thành hệ sinh thái phủ khắp với hàng loạt dịch vụ liên tục ra mắt như giao đồ ăn, giao hàng, thanh toán di động thông qua hợp tác chiến lược với Moca… Song ở mỗi mảng miếng ông lớn này chạm đến đều ghi lại dấu ấn sâu đậm.
Sự thành công của mô hình siêu ứng dụng Grab thể hiện qua con số ấn tượng mà nền tảng này gặt hái trong năm 2019. GrabFood vẫn duy trì là nền tảng giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên số một tại Việt Nam (theo Kantar) với số lượng đơn hàng tăng trưởng gần 1.800% trong năm 2019. Dịch vụ giao hàng GrabExpress của Grab cũng vừa công bố mức tăng trưởng chóng mặt 97% trong năm qua. Tổng lượng giao dịch thanh toán qua ví Moca trên ứng dụng Grab cũng tăng 131%.
“Gừng càng già càng cay”
Có một sự thật ai cũng công nhận, kẻ đi trước thường là người chiếm ưu thế. Xét về góc độ này, Grab là cái tên “già dặn” nhất với kinh nghiệm hơn năm năm hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Cho đến nay, nền tảng đặt xe của Grab đã phát triển được mạng lưới đối tác tài xế đông đảo, đồng thời trở thành tay chơi số một với thị phần 73% số chuyến xe đã hoàn thành trong nửa đầu năm 2019, theo ABI Research.
Ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Đông A Solutions, từng nhận định rằng: “Đi Grab đã là một động từ, một thói quen. Thị trường đặt xe công nghệ đã hoàn thiện với phần thắng thuộc về Grab…”.
Trong khi đó, các tay chơi gia nhập đường đua siêu ứng dụng muộn hơn, dù ít hay nhiều, đang vô cùng chật vật để vươn lên vị trí ngang hàng cùng “cựu binh” Grab trên nhiều “mặt trận”…
Cuộc chơi “tốn tiền”
Theo nhận định của các chuyên gia, để cạnh tranh và chiếm lĩnh trong thị trường siêu ứng dụng, các doanh nghiệp buộc phải “đốt tiền” để đổi lấy thị phần. Trong khi công ty mẹ GoJek đã huy động được 1 tỉ USD nhưng chưa rõ sẽ dành bao nhiêu phần cho đứa con GoViet. Be Group thì kín tiếng hơn, chỉ hé lộ nhà đầu tư chiến lược của họ là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhưng số liệu cụ thể thì cho đến nay vẫn là một ẩn số.
Grab với nguồn tài chính khổng lồ từ công ty mẹ và quỹ Softbank, nền tảng này sẵn sàng chi mạnh tay cho nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Song nhiều năm qua Grab cũng liên tục triển khai các chương trình giảm giá, ưu đãi dành cho người dùng trên tất cả dịch vụ. Khuyến mãi khiến không ít người dùng tỏ ra thích thú, trong khi các tay chơi khác trên thị trường phải thêm phần dè chừng vì độ “chịu chi”.
Có thể thấy Grab hiện đang chiếm ưu thế ở nhiều khía cạnh trong cuộc đua siêu ứng dụng tại thị trường Việt Nam. Song theo ông Trần Bằng Việt: “Bất kỳ thị trường nào cũng có chỗ cho doanh nghiệp đứng thứ hai để tạo nên sức ép cạnh tranh vươn lên thứ nhất. Khách hàng sẽ có lúc không hài lòng với Grab và chuyển sang ứng dụng khác”.