Ngày pháp luật

Thị trường phái sinh và chứng quyền: Dự báo màu đỏ tiếp tục lên ngôi

Lan Anh

Phiên giao dịch cuối cùng của hợp đồng kỳ hạn tháng 3 khép lại với cả 4 hợp đồng tương lai ghi nhận mức giảm từ 10 đến 21 điểm, trong khi đó chỉ số cơ sở VN30 sụt giảm 21,1 điểm.

Cụ thể, hợp đồng VN30F2004 hiện thấp hơn 12,55 điểm so với chỉ số cơ sở VN30. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt 174.986 hợp đồng giảm 5,38%. Trong đó, thanh khoản tập trung nhiều ở hợp đồng tháng 3. 

Thị trường phái sinh và chứng quyền: Dự báo màu đỏ tiếp tục lên ngôi - Ảnh 1

Tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định khi thị trường đang ở giai đoạn dao động mạnh, những phiên tăng/giảm mạnh có thể đan xen trong giai đoạn này. Do vậy, hoạt động trading vẫn được ưu tiên trong những phiên tới. Vị thế Short vẫn được ưu tiên với mức thanh khoản yếu.

Áp lực bán diễn ra ở nhiều nhóm ngành và việc khối ngoại vẫn duy trì mạch bán ròng đã khiến thị trường giảm mạnh. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm kém tích cực đối với thị trường trong ngắn hạn. Vùng kháng cự mạnh quanh 683-690 điểm của hợp đồng tương lai VN30F2004.

Thị trường phái sinh và chứng quyền: Dự báo màu đỏ tiếp tục lên ngôi - Ảnh 2

Trong rổ VN30, ngoại trừ ROS tăng điểm, SSI và NVL đứng giá, còn lại đều giảm. Nhiều mã giảm sâu như VNM (-6,3%), SAB (-6,6%), VCB (-4,8%); GAS (-4,7%), PLX (-4,8%), PNJ (-5,2%)… Chốt phiên, chỉ số VN30 giảm 21,1 điểm (-3,01%) xuống 679,55 điểm, chỉ một mã tăng, trong khi 27 mã giảm.

Khối lượng giao dịch của nhóm VN30 đạt 81,27 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị 2.082 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 513 tỷ đồng và đây cũng là phiên bán ròng thứ 28 liên tiếp. Áp lực bán của khối ngoại tập trung vào các Bluechips như MSN, HPG, VNM. 

Chiến lược trong ngày: Thị trường đang ở giai đoạn dao động mạnh, những phiên tăng/giảm mạnh có thể đan xen. Do vậy, hoạt động trading vẫn được ưu tiên trong những phiên tới. 

Chiến lược ngắn hạn: Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở lại vị thế Short khi thị trường lên cao và suy yếu trở lại, lưu ý vùng kháng cự mạnh quanh 683-690 điểm.

Chứng quyền

Sau 2 phiên phục hồi trong thận trọng, thị trường chứng quyền đã gặp áp lực giảm trên diện rộng khi chỉ có 2 mã cơ sở tăng giá trong khi có tới 18 mã giảm giá và 1 mã giữ tham chiếu. Ngược dòng trong phiên hôm nay thuộc về các mã CW (chứng quyền có đảm bảo) dựa theo cổ phiếu DPM. Tuy chỉ chiếm 3,2% số lượng mã CW  đang niêm yết nhưng 100% các mã CW của cổ phiếu này đều tăng giá khi kết thúc phiên giao dịch, mức tăng bình quân đạt 11,74%. 

Hơn 7,3 triệu chứng quyền được chuyển nhượng thành công với giá trị giao dịch đạt khoảng 1,57 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường thấp hơn so với bình quân 5 phiên trước đó 8,2% về khối lượng và 41% về giá trị. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, chỉ có 3 mã tăng trong khi có tới 47 mã giảm và 13 mã giữ tham chiếu. Thanh khoản thị trường tập trung ở các nhóm CW có thời gian đáo hạn còn lại dưới 40 ngày.

Thị trường phái sinh và chứng quyền: Dự báo màu đỏ tiếp tục lên ngôi - Ảnh 3

Hiện có 7 công ty chứng khoán tham gia phát hành 63 mã CW dựa trên 21 mã cổ phiếu cơ sở. Về số lượng, KIS là công ty phát hành nhiều nhất với 22 mã CW, tiếp theo là HCM và SSI lần lượt có 15 và 13 mã. Về thanh khoản thị trường, nhóm CW của KIS Vietnam vươn lên dẫn đầu thị trường và chiếm 46,49%, SSI ở vị trí thứ 2 với 25,25%, tiếp theo là MBS và HCM cùng chiếm 13%. Phiên này, 3 mã CW tăng giá đều thuộc về công ty KIS.

Thanh khoản ở thị trường chứng quyền tiếp tục ở mức thấp. Nhà đầu tư nên chọn các mã CW có tính thanh khoản cao, có thể mở một phần vị thế đối với các mã CW dựa theo nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, công nghệ, vật liệu xây dựng,…

Tin Cùng Chuyên Mục