Ngày pháp luật

Thị trường ô tô cung vượt cầu nhưng liệu giá có giảm?

Ngọc Trìu

(Doanhnhan.vn) - Từ cuối 2019, thị trường ô tô xảy ra tình trạng cung vượt cầu, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến doanh số giảm. Đây được coi là khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành.

Cuối tháng 5/2020, xe Honda City bản 1.5 TOP được một đại lý tại Mỹ Đình chào bán với giá 560 triệu đồng và gói phụ kiện 25 triệu đồng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6/2020, giá xe đã tăng lên 570 triệu đồng.

Không chỉ riêng Honda City quay đầu tăng giá, một số mẫu xe khác như Toyota Vios, Innova, Hyundai Kona hay Mazda CX-5... cũng nhích lên vài đến hàng chục triệu đồng. Biến động giá trên đến trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84, trong đó giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Thực tế, nhiều đại lý ô tô đã cắt giảm các khuyến mại và quà tặng dành cho khách hàng nên giá được cho là cao hơn so với trước đó. Điều này được giải thích là để "bù lỗ" do bán chậm và ảnh hưởng bởi việc giảm lệ phí trước bạ. Đồng thời, nhiều đại lý giải thích là do phía hãng cắt giảm chứ không hẳn là do các đại lý tự điều chỉnh nhằm tăng giá.

Thị trường ô tô cung vượt cầu nhưng liệu giá có giảm? - Ảnh 1
Đầu tháng 6/2020, các hãng xe ô tô đồng loạt tăng giá. Ảnh minh họa

Thậm chí, không ít đại lý cho biết, sản lượng sản xuất giảm nên nhiều đại lý không có xe bán, vì thế không thể nào giảm giá xe khi bán được.

Việc giảm 50% lệ phí trước nhưng tăng giá xe khiến khách hàng không còn được hưởng "lợi kép" như kỳ vọng trước đây. Một chuyên gia về ô tô cho rằng, đối với vài mẫu xe nhỏ, phân khúc phổ thông, các gói ưu đãi hiện nay còn tiết kiệm được nhiều hơn sau khi giảm phí trước bạ.

Vị này lấy ví dụ đối với mẫu xe VinFast Fadil 1.4 tiêu chuẩn có giá 415 triệu đồng, đang được bán mức 373 triệu (mức ưu đãi 42 triệu đồng). Trong thời gian tới khi lệ phí trước bạ được giảm 50% nhưng nếu giá xe không còn ưu đãi nữa, khách hàng sẽ chỉ tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng.

Ước tính từ các doanh nghiệp cho thấy, số lượng ô tô tồn kho hiện lên tới trên 50.000 chiếc các loại. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn xe sản xuất từ năm 2019, thậm chí là từ 2018 đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết.

Có một thực tế hiện nay, đó là hiện tượng cung vượt cầu trên thị trường ô tô diễn ra từ cuối năm 2019, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến doanh số ngày càng đi xuống. Đây là thời điểm khó khăn nhất với ngành ô tô Việt Nam.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi cách ly xã hội kết thúc, phần lớn các doanh nghiệp ô tô đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, công suất sản xuất hiện chỉ duy trì ở mức rất thấp, do lượng tồn kho vẫn còn cao.

Còn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất ô tô 5 tháng đầu năm 2020 giảm 26,9%, dẫn đầu trong các ngành sản xuất bị suy giảm. Trong số xe tồn kho nói trên thì ô tô sản xuất lắp ráp trong nước chiếm tỷ lệ lớn.

Tin Cùng Chuyên Mục