Ngày pháp luật

Thị trường ngày 24/10: Dầu thô bị bán tháo khiến giá lao dốc xuống thấp nhất 2 tháng, vàng cao nhất 3 tháng

Theo Minh Quân/Tri Thức Trẻ

Thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục chịu tác động sau khi chứng khoán châu Á, châu Âu và Mỹ đồng loạt lao dốc trong phiên vừa qua bởi nhà đầu tư thất vọng về lợi nhuận của các công ty, lo ngại về cuộc khủng hoảng ngoại giao của Saudi Arabia và về bất đồng liên quan đến ngân sách Italia.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI phiên vừa qua có lúc giảm 2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017.

Dầu giảm mạnh

Giá dầu giảm khoảng 5% trong phiên vừa qua, xuống mức thấp nhất 2 tháng do hoạt động bán tháo trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh gia tăng lo ngại về tăng trưởng nhu cầu của mặt hàng này, đúng lúc Saudi Arabia khẳng định có thể cung cấp thêm dầu nhanh hơn nữa nếu cần thiết, giúp giảm nỗi băn khoăn về nguồn cung trước khi Mỹ áp các lệnh trừng phạt lên Iran.

Thị trường ngày 24/10: Dầu thô bị bán tháo khiến giá lao dốc xuống thấp nhất 2 tháng, vàng cao nhất 3 tháng - Ảnh 1

Dầu Brent đã giảm 4,3% tương đương 3,39 USD xuống 76,44 USD/thùng vào lúc đóng cửa giao dịch, trước đó có lúc giảm 5% xuống 75,88 USD, thấp nhất kể từ 7/9/2018; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 2,9% xuống 66,43 USD/thùng sau khi có lúc cũng giảm mạnh 5,2% xuống 65,74 USD, thấp nhất kể từ 7/9/2018. Đây là phiên giá dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2018.

Hàng loạt các yếu tố cơ bản đang bất lợi cho giá dầu. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih, tại một hội nghị ở Riyadh đã khẳng định tình hình trên thị trường dầu mỏ đang rất tốt và hy vọng các nhà sản xuất dầu sẽ đạt được thỏa thuận vào tháng 12 tới để nâng sản lượng, cùng nhau ổn định thị trường, nhất định không để thị trường bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran. Sản lượng dầu của Nga hiện đang cao hơn 150.000 thùng/ngày so với tháng 10/2016; sản lượng dầu của Mỹ cũng đã tăng gần 1/3 kể từ năm 2016. Tất cả những điều đó có thể giúp bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Iran.

Dự trữ dầu thô Mỹ dự kiến sẽ tăng tuần thứ 5 liên tiếp. Báo cáo chính thức về dự trữ sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố vào sáng 24/10/2018.

Trong khi đó, về nhu cầu, UBS đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới xuống 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2019 do giá tăng cao và kinh tế yếu đi.

Vàng và palađi tăng

Giá vàng tăng 1% lên mức cao nhất hơn 3 tháng do USD yếu đi và chứng khoán toàn cầu lao dốc bởi gia tăng những bất chắc về chính trị cũng như kinh tế, kéo các nhà đầu tư về với vàng để tìm sự an toàn. Vàng giao ngay tăng 1% lên 1.233,21 USD/ounce vào cuối phiên, trong phiên có lúc đạt 1.239,68 USD, cao nhất kể từ 17/7/2018. Vàng giao sau tăng 0,9 lên 1.236,10 USD.

Palađi đã tăng lên mức cao kỷ lục, chỉ còn kém khoảng 100 USD/ounce so với vàng, do nhu cầu mạnh lên từ lĩnh vực ô tô Trung Quốc. Palađi đã tăng 1,8% lên 1.141,49 USD/ounce vào cuối phiên, trước đó có lúc đạt 1.150,50 USD/ounce.

Thép xây dựng tăng do nhu cầu tốt

Giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng do nhu cầu mạnh. Hợp đồng thép cây tăng 0,2% lên 4.142 CNY (597,03 USD)/tấn. Tồn trữ các sản phẩm thép của các thương gia Trung Quốc đã giảm 370.000 tấn xuống 10,3 triệu tấn trong tuần tới 19/10/2018, trong đó tồn trữ thép cây giảm 6,4% xuống 4,12 triệu tấn, trong khi tồn trữ thép cuộn cán nóng tăng 0,8% lên 2,4 triệu tấn.

Nhu cầu thép trong ngắn hạn tại Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục vững, nhờ lĩnh vực xây dựng đang tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng ở miền Bắc nước này thường chậm lại vào mùa Đông do thời tiết quá lạnh.

Đồng giảm

Giá đồng giảm do lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc chậm lại và do căng thẳng địa chính trị leo thang liên quan đến vụ nhà báo Saudi Arabia bị sát hại. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,7% xuống 6.196 USD/tấn. Các nhà đầu tư không thực sự bị thuyết phục bởi những kế hoạch kích thích kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra như giảm thuế hay hỗ trợ thị trường chứng khoán. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của những kế hoạch này.

Cà phê arabica và đường trắng tăng; robusta, đường thô và cacao giảm

Giá cà phê arabica tăng trong phiên vừa qua, lấy lại gần hết những gì đã mất ở phiên trước đó. Arabica giao tháng 12/2018 tăng 3,45 US cent tương đương 2,9% lên 1,211 USD/lb (phiên trước giảm 3,6%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 tháng). Một số nhà đầu tư tiến hành mua vào khi thấy giá giảm trong phiên trước, và đồng nội tệ Brazil tăng lên cũng góp phần đẩy giá arabica tăng. Tuy nhiên, robusta vẫn giảm, với hợp đồng giao tháng 1/2019 giảm 2 USD tương đương 0,1% xuống 1.719 USD/tấn.

Cacao giảm khi Tây Phi đang trong vụ thu hoạch. Tại New York giá giảm 33 USD tương đương 1,5% xuống 2.187 USD/tấn, trong khi tại London giảm 12 USD tương đương 0,7% xuống 1.629 GBP/tấn.

Đường thô giao tháng 3 năm sau giảm 0,01 US cent tương đương 0,1% xuống 13.81 US cent/lb, là phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau khi tăng 6,3% trong tuần qua; tuy nhiên đường trắng giao tháng 12 tới tăng 3,5 USD tương đương 0,9% lên 380,50 USD/tấn. Có một số yếu tố đang hỗ trợ thị trường đường, đó là triển vọng sản lượng giảm ở Brazil và Liên minh châu Âu cũng như đồng real Brazil tăng giá. Công ty tư vấn Datagro ở Sao Paulo vừa đưa ra dự báo thị trường đường thế giới năm 2018/19 sẽ thiếu hụt, hoàn toàn trái ngược với dự báo là dư thừa trong báo cáo gần đây nhất.

Miền Nam Trung Quốc lo ngại bị lây bệnh dịch lợn

Tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) ngày 23/10/2018 đã công bố cấm vận chuyển lợn sống tới các khu vực khác trên toàn quốc sau khi phát hiện 2 trường hợp lợn chết do dịch tả châu Phi ở khu vực láng giềng (thuộc tỉnh Hồ Nam).

Dịch bệnh này vẫn đang lan rộng ở nhiều nơi của Trung Quốc. Cũng ngày 23/10/2018, Nhật Bản đã phát hiện có virus tả lợn trong xúc xích thịt lợn đóng gói được một người nước ngoài đến từ Bắc Kinh mang theo vào Nhật Bản.

Lựu rẻ hơn năm ngoái

Mùa thu hoạch lựu tại Trung Quốc đã bắt đầu từ tháng 10, giá lựu năm nay thấp hơn năm ngoái. Tại Tảo Trang thuộc tỉnh Sơn Đông, lựu loại 1 giá 7-8 CNY (1,01 – 1,05 USD)/kg, thấp hơn mức 10 – 12 CNY (1,44 – 1,73 USD) cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng lựu đang hồi phục sau khi bị sụt giảm mạnh do thời tiết quá lạnh năm ngoái. Nhiều diện tích cây mới trồng chưa cho sản lượng cao. Sản lượng năm nay nhìn chung chỉ bằng khoảng 60% mọi năm, tỷ lệ quả xấu cũng nhiều hơn (loại này chỉ bán được 3-4 CNY, thậm chí có loại chỉ 1 – 2 CNY/kg).

Lựu tại Trung Quốc thường được thu hoạch vào dịp Trung thu, nhưng năm nay việc thu hoạch bị muộn hơn khoảng 10 ngày so với mọi năm vì thời tiết ấm hơn. Đây là một tổn thất cho người trồng vì bị quá thời điểm nhu cầu mạnh (Rằm tháng Tám).

Sản lượng lạc Ấn Độ giảm

Theo dự báo của công ty thương mại hàng đầu Ấn Độ, sản lượng lạc vụ Hè của nước này năm nay chắc chắn sẽ giảm 29,2% so với năm ngoái, xuống chỉ 3,74 triệu tấn, do ít mưa làm giảm năng suất ở bang Gujarat. Sản lượng giảm có thể buộc nước nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới này phải tăng cường mua từ nước ngoài trong năm 2018/19 (bắt đầu từ 1/11/2018).

Sản lượng gạo Indonesia sẽ thấp hơn dự báo

Cơ quan thống kê Indonesia cho biết sản lượng gạo nước này năm nay sẽ đạt khoảng 32,4 triệu tấn, thấp hơn dự báo của Bộ Nông nghiệp đưa ra đầu tháng 10/2018 (48,3 triệu tấn). Tiêu thụ năm nay sẽ khoảng 29,6 triệu tấn. Như vậy khả năng trong thời gian tới nước này sẽ phải nhập thêm gạo. Indonesia đã nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo trong năm nay và hiện chưa có quyết định về việc nhập khẩu trong năm 2019.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 24/10

Thị trường ngày 24/10: Dầu thô bị bán tháo khiến giá lao dốc xuống thấp nhất 2 tháng, vàng cao nhất 3 tháng - Ảnh 2

Tin Cùng Chuyên Mục