Ngày pháp luật

Thị trường mũ bảo hiểm Việt Nam: HJC vượt xa các đối thủ với doanh thu và lợi nhuận ấn tượng

An An

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, doanh thu thuần của HJC đã giữ vững đà tăng trưởng ổn định với con số đạt được ấn tượng là gần 1.600 tỷ đồng vào năm 2022, tăng hơn 60% so với năm 2020.

Năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nghị quyết về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó nhấn mạnh đến quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm.

Cụ thể, từ ngày 15/9/2007, người tham gia giao thông bằng xe máy ở Việt Nam sẽ phải đội mũ bảo hiểm một cách bắt buộc trên các tuyến quốc lộ. Đến tháng 12/2007, quy định này được mở rộng cho tất cả tuyến đường giao thông của cả nước. Do đó, thị trường mũ bảo hiểm chất lượng đã trở nên sôi động và có nhiều doanh nghiệp tham gia.

Theo số liệu thống kê của Vietdata, doanh nghiệp mũ bảo hiểm đang dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận là HJC.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, doanh thu thuần của HJC đã giữ vững đà tăng trưởng ổn định với con số đạt được ấn tượng là gần 1.600 tỷ đồng vào năm 2022, tăng hơn 60% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HJC lại cho thấy sự sụt giảm đáng kể khi chỉ chạm mức hơn 26 tỷ đồng trong năm 2022, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường mũ bảo hiểm Việt Nam: HJC vượt xa các đối thủ với doanh thu và lợi nhuận ấn tượng - Ảnh 1

Doanh nghiệp mũ bảo hiểm đứng thứ 2 về doanh thu là Nón Sơn với gần 260 tỷ đồng trong năm 2022, tăng gần 90% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức doanh thu này chỉ bằng 1/6 so với doanh nghiệp HJC. 

Trong khi đó, doanh nghiệp đứng thứ 2 về lợi nhuận là Protec, với khoản lợi nhuận ròng đạt gần 5 tỷ đồng, bằng 20% so với HJC.

Thị trường mũ bảo hiểm Việt Nam: HJC vượt xa các đối thủ với doanh thu và lợi nhuận ấn tượng - Ảnh 2

Thành lập năm 1971, HJC được giới thiệu là một hãng sản xuất mũ bảo hiểm nổi tiếng đến từ Hàn Quốc. Kể từ năm 1992, HJC đã thành công trong việc duy trì vị trí số 1 thương hiệu mũ bảo hiểm thị trường Bắc Mỹ.

HJC cho biết, mũ bảo hiểm HJC luôn được kiểm nghiệm trong các phòng thử nghiệm cũng như thực tế bên ngoài nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đây cũng là một trong số rất ít các công ty mũ bảo hiểm được trang bị hệ thống phòng thử nghiệm đường ống lưu gió để kiểm nghiệm sự lưu thông không khí, hệ thống thông gió, tiếng ồn… cho mũ bảo hiểm.

Hiện nay, HJC có 3 nhà máy sản xuất mũ tại 2 Hàn Quốc và Việt Nam. Sau quá trình xây dựng và phát triển, Công ty TNHH HJC Vina đã mở rộng quy mô nhà xưởng lên 50.000 m2, với công suất đạt 1.000.000 chiếc mỗi năm. 90% sản lượng được xuất khẩu đi 60 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là Châu Âu và Mỹ.

Số lượng cán bộ công nhân viên của công ty cũng đã tăng lên hơn 1.000 người, trở thành nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm quy mô lớn nhất của tập đoàn HJC và khu vực Châu Á. 

Với danh tiếng và chất lượng hàng đầu, HJC đã trở thành đối tác bền vững với các tập đoàn lớn như Samsung, Honda, Yamaha, Suzuki, BIDV, Posco, MUJI, và nhiều doanh nghiệp lớn khác tại Việt Nam.

Trong khi đó, Protec là thương hiệu của Công ty TNHH Thiết bị và Sản phẩm an toàn Việt Nam, một dự án của Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á. Được thành lập vào năm 1999, Protec đã bắt đầu sản xuất những chiếc mũ bảo hiểm đầu tiên vào năm 2001. Đây là công ty mũ bảo hiểm phi lợi nhuận đầu tiên trên thế giới, với mục tiêu không chỉ là kinh doanh mà còn là tuyên truyền và giúp nhiều thế hệ người Việt nâng cao nhận thức về trách nhiệm an toàn giao thông.

Nón Sơn là một thương hiệu mũ bảo hiểm nổi tiếng và uy tín tại Việt Nam, được ông Trần Anh Sơn thành lập vào năm 1996. Thương hiệu này không chỉ nổi tiếng với việc cung cấp mũ bảo hiểm chất lượng cao, mà còn được biết đến với thiết kế thời trang và tinh tế. Mỗi chiếc mũ của Nón Sơn được chế tác từ nhựa ABS bền chắc, kết hợp với thiết kế thông minh bao gồm các lỗ thông gió, tạo nên sự thoải mái cho người đội.

Tin Cùng Chuyên Mục