Ngày pháp luật

Thị trường du lịch cuối năm: Bức tranh với những gam màu sáng

Ngọc Anh

Theo Tổng cục Thống kê, với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng những giải thưởng du lịch danh giá được nhiều tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp du lịch Việt sau thời gian dài khó khăn hậu đại dịch. 2024 được kỳ vọng là năm mà ngành du lịch đã thực sự phục hồi nhờ những chính sách ưu đãi tối đa của Chính phủ dành cho doanh nghiệp lĩnh vực này trong năm 2023…

Nhiều điểm sáng…

Tính chung 10 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu phân theo vùng lãnh thổ, đứng đầu là khách quốc tế đến từ châu Á đạt 11.256,8 nghìn lượt người; Châu Âu đạt 1.576,4 nghìn lượt người; Châu Mỹ đạt 812,8 nghìn lượt người; Châu Úc đạt 436,3 nghìn lượt người; Châu Phi đạt 42,8 nghìn lượt người. Hiện, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam nới lỏng chính sách thị thực (visa) dành cho du khách quốc tế với thời hạn thị thực điện tử (e-visa) được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày với số lần nhập cảnh, xuất cảnh không giới hạn. Công dân 13 nước được Việt Nam miễn thị thực sẽ tăng thời gian tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày. Qua một năm triển khai, chính sách visa đã thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng ngành du lịch, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển mở rộng thị trường.

Đối với thị trường nội địa, xu hướng du lịch của khách Việt đã có nhiều thay đổi rõ rệt trong một vài năm gần đây, đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19. Ngày càng nhiều du khách sẵn sàng chi ra một khoản tiền không nhỏ để phục vụ đời sống tinh thần. 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường khách du lịch Việt Nam đã có sự chuyển dịch trong bối cảnh vé máy bay nội địa tăng do nhiều yếu tố như số lượng máy bay hạn chế, chi phí đầu vào tăng... Bên cạnh đó, tình hình xung đột địa chính trị diện rộng trên thế giới cũng tác động phần nào đến ngành du lịch Việt Nam.

Bà Đỗ Thanh Dương - Quản lý phòng vé Vietnam Airlines tại Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, Quận Ba Đình, Hà Nội nhận định, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch trong và ngoài nước về cơ bản đã có tín hiệu phục hồi đầy tích cực. Tuy nhiên, giá vé máy bay hiện nay khá cao mà thực tế nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước càng ngày càng nhiều, hiển nhiên có thể nhận thấy rất rõ tốc độ phục hồi còn chậm. 

Ông Đặng Duy Trung Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Sự kiện VnExpress Tour chia sẻ, nếu chỉ nhìn về mặt con số, cảm quan là thị trường du lịch năm 2024 đã phục hồi. Tuy nhiên, thực tế thì tình hình thị trường du lịch Việt Nam chưa thể đạt được phong độ như trước thời kỳ Covid-19. Số lượng tour khách hàng đặt vẫn còn thấp, chi tiêu cho du lịch cũng vẫn còn dè dặt.

Xu hướng dịch chuyển

Thời điểm cuối năm là lúc doanh nghiệp du lịch tăng cường hoạt động với nhiều kỳ nghỉ lễ dài, cũng là cơ hội để doanh nghiệp tung ra các chiến dịch lớn nhất năm nhằm kích cầu thị trường. Tuy nhiên, khác với những năm trước, nhu cầu của khách du lịch năm nay đã có nhiều khác biệt, đỏi hòi doanh nghiệp cần thay đổi để thích ứng nhanh chóng.

Bà Tạ Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Quốc tế Năm Châu cho biết: Lượng khách nước ngoài tới Việt Nam du lịch kết hợp công việc (bleisure) có xu hướng tăng lên, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy loại hình du lịch kết hợp công tác. Quý 4 cũng là mùa cao điểm du lịch nội địa nhờ các kỳ nghỉ cuối năm, lễ hội Giáng sinh và nhu cầu đi du lịch để tránh rét ở miền Bắc hoặc tận hưởng không khí lễ hội ở các thành phố lớn, vùng biển. Đối với du khách Việt, hình thức nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch trải nghiệm đang được ưa chuộng với các loại hình như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp yoga, khám phá văn hóa bản địa... Bên cạnh đó, khách hàng cũng ngày càng thích sự tiện lợi khi đặt dịch vụ qua ứng dụng, chọn các tour có thể cá nhân hóa hoặc được tư vấn trực tuyến.

Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình, bà Tạ Thị Ánh Tuyết chia sẻ, các gói sản phẩm khuyến mãi hấp dẫn sẽ giúp kích cầu thị trường hiệu quả như: Ưu đãi đặt sớm hoặc phút chót, ưu đãi nhóm, quà tặng dịp lễ.

Nhận định về các điểm đến đang được ưa chuộng trong nước, bà Lê Thu Hà - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần A&K Group cho biết: “Nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách hiện đang phân theo địa hình với 4 khu vực chính gồm: Khu nghỉ dưỡng biển với nhưng bãi biển đẹp như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang; Khu du lịch núi thu hút du khách tìm kiếm không khí trong lành và trải nghiệm thú vị tại các bản làng như Sapa, Mộc Châu…; Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh cũng thường tổ chức nhiều sự kiện năm mới và hoạt động giải trí, thu hút du khách; Cuối cùng, các điểm đến có giá trị lịch sử và văn hóa như Hội An, Huế… cũng đang thu hút lượng khách đáng kể, đặc biệt là trong các dịp lễ hội”.

Để sẵn sàng cho dịp cuối năm, A&K cũng đưa ra các ưu đãi như: Gói nghỉ dưỡng gia đình miễn phí trẻ em hoặc giảm giá khi lưu trú từ một số đêm nhất định; Chương trình ưu đãi cho ngày lễ; Gói Wellness bao gồm liệu trình spa, yoga và hoạt động thể chất để tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sức khỏe và chương trình khách hàng thân thiết.

Theo ông Đặng Duy Trung Hiếu, du lịch trong nước đang có sự chuyển dịch sang các tour quốc tế. Về cuối năm, du khách Việt hiện nay thường thích “ngắm lá vàng mùa Thu và núi tuyết mùa Đông”. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc đang trở thành điểm đến hấp dẫn mới trong những năm gần đây với lợi thế tour đa dạng, có thể đáp ứng nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng từ thấp đến cao. Đối với VnExpress Tour, các tour nước ngoài ngắn ngày ở thị trường châu Á, Đông Nam Á có tỷ lệ lấp đầy liên tục đạt được từ 50%, đối với các thị trường đường xa thì tỷ lệ sẽ thấp hơn. 

“Với việc khách hàng đang thắt chặt chi tiêu, phân khúc du lịch đường xa với chi tiêu cao bị hạn chế hơn. Theo đó, chúng tôi cũng phải điều chỉnh lại về giá cả, chương trình và cải tiến về mặt chính sách, giảm giá, tặng quà, phần thưởng cho khách hàng...” - ông Đặng Duy Trung Hiếu chia sẻ.

Thực tế và những phản ánh trên cho thấy, tuy bức tranh toàn cảnh đã sáng màu hơn nhưng thị trường du lịch Việt vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể thực sự phát triển xứng với tiềm năng.

Bà Đỗ Thanh Dương - Quản lý phòng vé Đại lý của Vietnam Airlines tại Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, Quận Ba Đình, Hà Nội:

“Khó khăn tồn tại lớn nhất của ngành du lịch là giá vé máy bay quá cao. Để đẩy mạnh phát triển du lịch, tôi hy vọng Chính phủ sẽ có thêm những chính sách giúp “hạ nhiệt” giá vé máy bay và tăng tần suất các chuyến bay đến các điểm du lịch, giảm tình trạng hoãn hủy chuyến bay thường xuyên. Đồng thời Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tạo điều kiện để các tỉnh, thành có thêm nhiều cơ hội hơn trong việc tổ chức các chương trình kích cầu du lịch cùng với các đơn vị lữ hành, nơi có nhiều lợi thế về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Tây Bắc...”.

Bà Đỗ Thanh Dương
Bà Đỗ Thanh Dương

Bà Lê Thu Hà - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần A&K Group:

“Để có thể thực sự hồi phục, doanh nghiệp du lịch Việt vẫn gặp phải nhiều rào cản như: Thiếu nhân lực chất lượng. Sau đại dịch, nhiều nhân viên đã rời bỏ ngành, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là trong các vị trí phục vụ khách hàng; Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp; Khó khăn trong việc duy trì chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; Doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng đều, nhưng việc này trở nên khó khăn khi nguồn lực có hạn; Sự biến động về giá cả, chi phí nguyên liệu, nhân công và các dịch vụ liên quan có thể tăng lên, gây áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp và sự yêu cầu ngày càng cao hơn của khách hàng về trải nghiệm, dẫn đến việc doanh nghiệp phải thường xuyên điều chỉnh để đáp ứng.

Bà Lê Thu Hà
Bà Lê Thu Hà

Theo đó, tôi đề xuất các giải pháp sau để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp: Tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa chi phí, nghiên cứu thị trường và phản hồi khách hàng, ứng dụng công nghệ vào mọi quy trình hoạt động”…

Bà Tạ Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Quốc tế Năm Châu:

“Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất của ngành du lịch là tăng trưởng cao nhưng áp lực duy trì chất lượng dịch vụ là vấn đề lớn. Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường cũng đang gây ảnh hưởng đến một số điểm du lịch. Bên cạnh những khó khăn thì sự phát triển của các ứng dụng công nghệ trong quản lý du lịch có thể coi là công cụ đắc lực mới cho ngành du lịch. Việc triển khai các ứng dụng hỗ trợ đặt vé, đặt phòng và quảng bá thông qua mạng xã hội sẽ giúp ngành du lịch tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng”…

Bà Tạ Thị Ánh Tuyết
Bà Tạ Thị Ánh Tuyết

Ông Đặng Duy Trung Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Sự kiện VnExpress Tour:

“Để cải thiện tình trạng du lịch trong nước, tôi cho rằng chi phí vận chuyển vẫn còn là rào cản rất lớn, đặc biệt là giá vé máy bay. Hy vọng là sắp tới Chính phủ cũng như các Bộ, ban, ngành sẽ có giải pháp hỗ trợ để điều tiết giá vé máy bay. Ngoài ra, bản thân các đơn vị du lịch, lữ hành cũng cần bắt tay hợp tác để cùng phát triển thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch tại điểm đến như nhà hàng, khách sạn và doanh nghiệp lữ hành cần hợp lực để đưa ra mức giá ưu đãi, nhằm kích cầu thị trường. Đơn cử bản thân tôi vừa tham gia sự kiện “Quảng Ninh - Điểm đến 4 mùa” với ưu đãi tới 50% dịch vụ tại điểm đến cho các doanh nghiệp tham gia sự kiện. 

Ông Đặng Duy Trung Hiếu
Ông Đặng Duy Trung Hiếu

Ngoài những khó khăn tạm thời thì Việt Nam có thế mạnh về tình hình địa chính trị ổn định, do đó, các chính sách về visa, ngoại giao giữa Việt Nam và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều khá thuận lợi. Đây là tiền đề để du lịch có thể vững bước phát triển!”.

Tin Cùng Chuyên Mục