Thị trường thế giới
Thị trường thế giới toàn cầu hoảng loạn khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên diện rộng và được WHO chính thức tuyên bố là là Đại dịch toàn cầu. Việc tuyên bố này không liên quan đến sự thay đổi bản chất của căn bệnh nhưng lại liên quan đến khả năng lây lan về mặt địa lý, con người chưa có khả năng khống chế và miễn nhiễm lan rộng ngoài dự kiến của thế giới.
Hàng loạt các quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa toàn quốc và/hoặc phong tỏa các thành phố lớn trong tuần qua có thể kể đến như: Mỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Áo, Séc, Malaysia, Philippines...
Mặc dù một số chính phủ đã công bố các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, tuy nhiên phần lớn trong số đó được sử dụng cho ngành y tế trong hoạt động ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh. Vì vậy, các chương trình hỗ trợ của chính phủ trong giai đoạn dịch bệnh còn tiếp diễn và chuỗi cung ứng còn gián đoạn như hiện nay sẽ không mang lại hiệu quả kích thích kinh tế như kỳ vọng.
Tóm lại, yếu tố hỗ trợ thị trường có thể không đến từ các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa, mà chủ yếu phụ thuộc vào tiến triển dịch bệnh trên thế giới. Chỉ khi dịch bệnh được đưa vào tầm kiểm soát, các chính sách nới lỏng mới phát huy hiệu quả và trở thành động lực giúp các thị trường toàn cầu phục hồi bền vững.
Chứng khoán toàn cầu vừa trải qua cơn địa chấn mạnh nhất kể từ năm 1987 đối với thị trường Mỹ và kể từ năm 2008 đối với thị trường Việt Nam. Tốc độ lây lan của dịch Covid-19 và cú sốc giá dầu giảm một lần nữa kích hoạt làn sóng bán tháo trong tuần qua từ Phố Wall cho tới châu Á, khiến nhiều sàn chứng khoán phải tạm ngừng giao dịch do các chỉ số lớn giảm quá mức cho phép.
Tại Mỹ, lệnh ngắt giao dịch đã được kích hoạt hai lần trong tuần qua (ngày 9 và 12/3) do chỉ số S&P 500 giảm mạnh hơn mức cho phép. Tại châu Á, cơ chế "rút phích" cũng được các sàn chứng khoán tại Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines kích hoạt trong tuần qua.
Tuần chao đảo của thị trường chứng khoán toàn cầu vừa qua cũng khiến nhiều chỉ số rơi vào thị trường “con gấu” (bear market). Chỉ khi chính phủ các quốc gia mạnh tay hỗ trợ kinh tế và phòng chống bệnh dịch hơn thị trường mới chững đà giảm.
Vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu “bay hơi” khoảng 4 nghìn tỷ USD. Chỉ số tương lai VIX đo lường mức độ bất ổn trên thị trường trong 1 tháng tới đã tăng hơn 60 điểm, lên mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Chỉ số MSCI AC World giảm hơn 25,8%, thị trường hàng hóa cũng giảm gần 20%, trong khi đó lợi suất trái toàn cầu tăng 5%.
Thị trường trong nước
Thị trường có tuần giảm mạnh kể từ năm 2008, thanh khoản được đẩy lên mức cao nhất kể từ năm 2019 (theo tuần) nhờ lực cầu bắt đáy đẩy giá trị hớp lệnh đạt gần 4.200 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng 2.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, đây cũng là tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp trên sàn HSX. Dòng vốn qua kênh ETF cũng bị rút ròng hơn 14,7 triệu USD sau khi đã rút 8,5 triệu USD ở 2 tuần trước đó.
Tuần vừa qua, chỉ số VN-Index đánh mất gần 130 điểm, tương đương 14,55%, các nhóm cổ phiếu khác như VN30, midcap hay smallcap cũng có mức giảm từ 12% đến 14%. Đối với bộ 3 chỉ số ETF, mức giảm thậm chí còn mạnh hơn trong khoảng từ 16% đến 17%. So với mức đỉnh 52 tuần, chỉ số VN-Index đã giảm gần 26%, VN30 giảm 24,4%, nhóm smallcap và micap giảm từ 24% đến 27%, trong khi đó bộ 3 chỉ số ETFs cũng giảm từ 19% đến 21%.
Nhận định
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực bán mạnh bởi lý do:
- Ảnh hưởng từ đà giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu;
- Tâm lý sợ hãi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp;
- Áp lực rút ròng liên tiếp từ khối ngoại;
- Do áp lực bán bởi margin- call.
Đợt suy giảm này có lẽ là lớn nhất kể từ khủng hoảng 2007-2008 và VN-Index xuyên thủng qua vùng 800 điểm lần đầu tiên kể từ khi chỉ số bước vào Uptrend.
Chiến lược đầu tư
Duy trì trạng thái thận trọng trước những biến động khó lường trong thời điểm hiện tại. Hạn chế sử dụng margin và tuân thủ chặt chẽ quy tắc cắt lỗ để bảo toàn trạng thái tài khoản. Với dự báo có thể xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật ngắn, nhà đầu tư có thể tranh thủ cơ cấu lại tài khoản, ưu tiên mua thăm dò các cổ phiếu Bluechips cơ bản tốt đã giảm sâu cho mục tiêu từ 3 đến 6 tháng tới. Có thể chốt lời T+ nếu hàng về tài khoản bắt đầu có lãi, chờ các nhịp điều chỉnh mua lại với vùng giá hợp lý.
Ưu tiên các ngành có mức độ tập trung của dòng tiền cao, thanh khoản tốt như: ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng, thực phẩm, bán lẻ, công nghệ, SX&PP điện, Dược phẩm, săm lốp...