Ngày pháp luật

Thị trường chứng khoán cuối năm đang đối mặt với thách thức gì?

Theo H.M/Lao Động

Các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3 tháng cuối năm đối diện nhiều yếu tố như: biến động của đồng USD, đồng Yuan (NDT), rủi ro lạm phát khiến NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng.

Bên cạnh đó, việc FED tăng lãi suất theo đúng lộ trình sẽ tiếp tục mang đến rủi ro cho đồng tiền các nước mới nổi, khiến NHTƯ nhiều nước phải nâng lãi suất.

Thị trường chứng khoán cuối năm đang đối mặt với thách thức gì? - Ảnh 1
Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm đối diện nhiều thách thức.

Lãi suất tăng, gây sức ép lên TTCK

Một mặt bằng lãi suất cao hơn ở nhiều nước đang được hình thành, đây cũng là một sức ép với mặt bằng lãi suất trong nước, và lãi suất tăng thì luôn là thông tin không tích cực đối với thị trường chứng khoán. “Chúng tôi cho rằng, quý IV thị trường sẽ diễn biến không được tích cực như quý III, chỉ số VN-Index có thể đóng cửa ở mức điểm thấp hơn mức điểm cuối quý II” - chuyên gia của BVSC cho biết.

Đánh giá về diễn biến TTCK trong 3 tháng cuối năm, về mặt tích cực, BVSC cho rằng các chỉ số vĩ mô của năm 2018 nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra đầu năm. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục có cải thiện, đặc biệt ở các nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, dệt may và thủy sản.

Khối ngoại mua ròng trên HOSE

Trong 9 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE hơn 30,26 nghìn tỉ. Tuy nhiên, giá trị mua ròng này tập trung chủ yếu ở giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị lên đến 46,3 nghìn tỉ đồng. Nếu chỉ xét riêng giao dịch khớp lệnh thì khối ngoại bán ròng 16.000 tỉ đồng. Nếu chỉ xét riêng trong quý III, khối ngoại bán ròng 3,9 nghìn tỉ. Điều này là do hiệu ứng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và việc FED tăng lãi suất kèm với bất ổn vĩ mô ở các nước trong nhóm thị trường đang phát triển, đã dẫn đến tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc FED quyết định tăng lãi suất đã được dự đoán từ trước. Theo FED, họ sẽ tăng lãi suất tổng cộng 4 lần trong năm 2018. Năm 2019, FED có thể tăng tiếp 3 lần, và 1 lần vào năm 2020 với mức lãi suất mục tiêu là 3.25%. Điều này đã và sẽ tiếp tục khiến dòng tiền đầu tư phân bổ lại cơ cấu tài sản, phân bổ lại giữa các thị trường và không tránh khỏi việc rút vốn ra khỏi các thị trường có tỉ lệ nợ vay cao.

“Về mặt tích cực, việc dòng tiền đầu tư và đầu cơ đổ về Mỹ sẽ làm tăng giá trị của đồng USD so với các đồng ngoại tệ khác. Nói cách khác, giá trị của VND có thể sẽ tiếp tục yếu đi so với USD và trong kịch bản này, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ được hưởng lợi.

Về mặt tiêu cực, việc vốn rút về các thị trường mới nổi cũng đã tạo ra hiện tượng khối ngoại bán ròng, gây ảnh hưởng không tích cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam” - đại diện của BVSC cho biết.

Tiêu biểu là trong suốt 3 tháng qua, dòng tiền đã rút ròng ra khỏi thị trường mới nổi, riêng thị trường Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 178,3 triệu USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của BVSC, đây là lộ trình đã được đưa ra từ trước và việc điều hành của FED cũng khá minh bạch, do đó nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị cho diễn biến này. Tác động của việc FED tăng lãi suất đã không còn đáng kể ở lần tăng thứ 3,VN-Index chỉ mất điểm rất nhẹ ở 2 phiên trước và sau ngày FED tăng lãi suất và sau đó lại tiếp tục duy trì đà tăng.

Kể từ đầu năm 2018 đến nay, do ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất, VND chỉ mất giá khoảng 2,7% so với USD trong khi đồng tiền của các nước mới nổi khác đã mất giá khá mạnh. Việc Việt Nam đang xuất siêu được đánh giá là một yếu tố giúp giảm nhẹ áp lực mất giá do FED tăng lãi suất. 

Tin Cùng Chuyên Mục