Theo Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận tính đến chiều ngày 6/4 chưa có ca nhiễm mới nào, trong bốn ngày gần đây, số ca nhiễm giảm mạnh, từ 10 ca ngày 3/4 xuống 3 ca ngày 4/4, một ca ngày 5/4.
Thông tin này đã đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ ngay từ đầu giờ giao dịch. Ở giai đoạn này, Việt Nam tạm coi là đã cố gắng kiểm soát tốt được sự lây lan của Covid-19 với phương châm chống dịch là "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch".
Tâm lý của giới đầu tư đã ổn định và lấy lại được sự lạc quan đối với thị trường thể hiện ở tất cả các chỉ số đều tăng trên 4%.
Với mức tăng điểm đầy ấn tượng này, kết phiên VN-Index tăng 34,95 điểm (+4,98%), đạt mốc 736,75 điểm với 95 mã trần, 42 mã tham chiếu và 59 mã giảm, trong đó có 14 mã giảm sàn.
VN30 thăng hoa cả 30 mã, có 29 mã tăng, trong đó 17 mã tăng trần và chỉ có 1 mã tham chiếu. Chỉ số VN30 đạt 682,65 điểm, tăng 33,5 điểm (+5.16%)
HNX-Index tăng 5.54% lên mốc 103.26 điểm với 127 mã tăng, trong đó có 48 mã kịch trần, 38 mã tham chiếu.
Với 95 mã tăng kịch trần, top 5 cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào VN-Index là VIC, VHM, BID, VCB, GAS.
Giá trị thanh khoản của VN-Index phiên hôm nay cũng tăng khá với hơn 4.649 tỷ đồng, cao hơn phiên cuối tuần trước hơn 1 nghìn tỷ đồng. Mức thanh khoản của phiên hôm nay cao hơn mức thanh khoản trung bình 1 tháng là 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khối ngoại vẫn bán ròng, mã bán ra nhiều nhất là VIC với gần 212 tỷ đồng. Tiếp theo là VCB, VNM với giá trị lần lượt là 64,7 tỷ và 61,4 tỷ đồng.
Với sắc xanh độc diễn trên biểu đồ, ta có thể nhìn thấy top nhóm ngành đóng góp vào sự bứt phá của thị trường hôm nay thuộc về ngành Bất động sản, tiếp đó là Ngân hàng, Nước và khí đốt, Dịch vụ tài chính…
Với diễn biến đầy lạc quan của thị trường khi sắc xanh tràn ngập khắp bảng điện, mặc dù đã có những lúc nhóm Large Cap bị chốt lời nhưng một lực cầu mới đã xuất hiện đã giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ.
Thị trường phái sinh rực rỡ sắc tím với cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng trần hơn 42 điểm. Cụ thể, ở hợp đồng VN30F2004 tăng 42,9 điểm lên mức trần là 656,8 điểm, hiện vẫn thấp hơn 25,85 điểm so với chỉ số cơ sở VN30.
Liệu thị trường chứng khoán đã tạo đáy và bước vào xu thế tăng trong tháng 4?
Đại diện MBS, ông Đào Quang Ba, trưởng phòng môi giới 02 chi nhánh Hoàn Kiếm đã chia sẻ quan cá nhân của mình:
Đây là sóng hồi ngắn hạn sau một thời gian giới đầu tư bị áp lực bán liên tục do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới.
Các thông tin trên thế giới và trong nước về việc kích hoạt các gói hỗ trợ cũng như chính sách bơm tiền để giúp đỡ các doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng là thông tin tích cực làm an tâm giới đầu tư dài hạn.
Vì vậy, khi việc các mã cổ phiếu đầu ngành hoặc cổ phiếu cơ bản tốt về ngưỡng P/E dưới 10. hoặc các mã P/E về 5 rất hấp dẫn cho dài hạn. Với việc lãi suất tiết kiệm ngắn hạn đang giảm cũng là yếu tố kích thích dòng tiền chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư cổ phiếu dài hạn . Điển hình các mã cổ phiếu như MBB, REE với P/E = 5.
Với trạng thái thị trường thanh khoản so với mức vốn hóa của thị trường ở mức thấp nên việc dòng tiền đầu tư mua bắt đáy dài hạn kèm thêm dòng tiền đầu cơ mua đuổi ngắn hạn đã tạo ra hiệu ứng giao dịch tăng mạnh ngắn hạn phiên 6/4/2020.
Mức hoàn lại của thị trường có thể phục hồi lại được 50% đà giảm theo kỹ thuật. Sau đó, nếu các thông tin về dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt thì giá cổ phiếu sẽ tiếp tục quay lại xu hướng giảm trước đó.
Việc thay đổi xu hướng dài hạn của thị trường chỉ thay đổi khi yếu tố cơ bản về kinh tế được xác định kết thúc. Thị trường giảm vì dịch bệnh thì chỉ khi kết thúc dịch bệnh, xu hướng này mới chấm dứt được trong dài hạn.
Hiện tại đây chỉ là xu hướng phục hồi và đầu cơ ngắn hạn của nhà đầu cơ chuyên nghiệp tác động vào thị trường. Về dài hạn, giá cổ phiếu vẫn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Còn trong ngắn hạn, giá cổ phiếu phụ thuộc vào cung cầu của thị trường.