Ở thời điểm thị trường bất động sản diễn biến sôi động, nhiều trường hợp dù khách mua đã đặt cọc nhưng nếu được trả giá cao hơn chủ nhà sẵn sàng tìm cách hủy cọc hoặc đền cọc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Không ít chủ nhà, chủ đất dù có khách đến hỏi mua, ngay cả khi đã nhận cọc hàng trăm triệu đồng vẫn nơm nớp lo sợ người mua "bùng cọc".
Chị Tâm (Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị sở hữu một cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Để dành được ít vốn liếng, vợ chồng chị đầu tư mảnh đất ở vùng ven Hà Nội. Hoạt động kinh doanh kém sau đợt dịch Covid-19 cùng việc ngân hàng bắt đầu tăng lãi xuất cho vay, áp lực lãi vay khiến vợ chồng chị quyết định bán lô đất vùng ven để lấy tiền trang trải khoản nợ.
Lô đất vợ chồng chị rao bán rộng 300m2, ở vị trí sát trục đường chính. Mức giá rao bán là 5,5 tỷ đồng.
Dù mức giá khá mềm so với 2 năm trước nhưng rao bán 3 tháng vẫn chưa tìm được người mua. Qua môi giới, vợ chồng chị Tâm tìm được một nhà đầu tư đang "săn" đất vùng ven. Khi khách ra giá 5 tỷ đồng, vợ chồng tôi đồng ý luôn và yêu cầu cọc 500 triệu đồng. Phía bên mua cũng thiện chí chuyển tiền.
Dù nhận khoản cọc lớn nhưng hai vợ chồng vẫn lo lắng sợ bên mua hủy cọc. Bởi giai đoạn này, gia đình đang cần tiền để trả nợ. Nếu không thu về được 5 tỷ sẽ gặp khó khăn. Sợ khách “bùng” cọc, chị Tâm còn gọi điện cho khách để mong được sớm ký công chứng.
Chị cho biết, vợ chồng chưa bao giờ nghĩ sẽ rơi vào tình cảnh này khi người nhận cọc lo lắng người mua sẽ "bỏ cọc", đổi ý quay lưng không mua nữa bởi thị trường bất động sản dường như đang đóng băng.
Cũng trong tâm lý nơm nớp lo sợ người mua "bùng cọc", anh Khanh (Hà Nội) chia sẻ, sau thời gian "gồng" nợ mua căn nhà nhỏ ở Hà Đông, anh đã rao bán cắt lỗ để tìm khách mua.
Dự mua để ở nhưng vì quá xa chỗ làm, thời gian đi lại của vợ chồng từ cơ quan đến nhà mất cả tiếng nên vợ chồng anh Khanh quyết định cho thuê nhà đất, chuyển hướng thuê căn chung cư nhỏ gần chỗ làm để tiện sinh hoạt.
Vướng mắc lớn nhất là gia đình anh đã vay ngân hàng 1 tỷ đồng để mua nhà, trung bình tháng trả gốc lãi 10 triệu đồng. Đến năm sau, số tiền trả gốc lãi tăng lên.
Trong khi đó, tiền cho thuê nhà đất còn thấp hơn tiền đi thuê chung cư nên vợ chồng anh Khanh rất lo lắng.
Cuối cùng, vợ chồng anh quyết định rao bán nhà đất. Tuy nhiên, việc rao bán không thuận lợi như mong đợi. Sau hơn 5 tháng rao vẫn chưa có khách hỏi mua dù mức giá rao đã giảm tới 200 triệu đồng.
Đầu tháng 3, vợ chồng anh tìm được khách mua nhà. Dù đã nhận cọc 300 triệu đồng, nhưng vợ chồng anh vẫn lo sợ khách "suy nghĩ lại". Chỉ đến khi ra công chứng sang tên sổ, vợ chồng anh mới thở phào chắc chắn vì cuối cùng cũng bán được nhà.
Anh Thanh Tùng, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, việc người bán đã nhận cọc số tiền lớn nhưng vẫn sợ người mua bỏ cọc trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn có cơ sở.
“Giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc có tính đầu cơ cao như đất nền, biệt thự, nhà liền kề hiện nay vẫn giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu người mua tìm được sản phẩm tương tự có mức giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm đã đặt cọc hoặc bất động sản có vị trí tốt nhưng giá chỉ tương họ sẵn sàng sẽ bỏ cọc để mua của bên khác.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay chỉ khi nào giao dịch hoàn tất người bán mới cảm thấy yên tâm”, người môi giới này giải thích.