Báo cáo mới nhất về thị trường tiêu dùng nhanh của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết, tiêu dùng sữa năm 2017 của Việt Nam giảm 3,5% tại thành thị, trong khi tăng 2,7% tại nông thôn so với năm 2016.
Thực tế, trong vài năm trở lại đây, sữa không còn là lĩnh vực dễ gặt hái lợi nhuận như trước kia, cho dù mức tiêu thụ sữa của người Việt được đánh giá là thấp so với các quốc gia xung quanh, chỉ khoảng 17 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm…
Phía Kantar Worldpanel cho rằng, tiêu dùng sữa chững lại cũng một phần do sản phẩm mới trong lĩnh vực này gần như không có, ngành vẫn chưa xuất hiện nhân tố đột phá.
Đơn cử như Vinamilk – đơn vị đầu ngành chiếm khoảng 49% thị trường sữa, năm 2017, lợi nhuận công ty này tăng 9,8% so với năm trước đó. Nhưng tới năm nay, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ tăng trưởng 4,6%.
Không nói rõ chi phí nào khiến biên lợi nhuận (tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu) của Vinamilk giảm sút, nhưng có thể thấy chi phí bán hàng, trong đó có chi phí quảng cáo và khuyến mãi của công ty luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong những năm gần đây.
Mặc dù thị trường chung có bão hòa, nhưng nếu các doanh nghiệp tập trung vào đúng thị trường ngách vẫn có thể sống khỏe. Chẳng hạn, TH Milk tuyên bố dẫn đầu phân khúc sữa tươi, Nutifood dẫn đầu phân khúc sữa dinh dưỡng, các thương hiệu nước ngoài dẫn đầu phân khúc sữa cho trẻ sơ sinh...
Sữa Mộc Châu, một doanh nghiệp sữa quy mô vừa, cũng đi theo chiến lược này. Nhờ tập trung vào khu vực nông thôn phía Bắc và miền Trung, báo cáo 6 tháng doanh thu đầu năm của sữa Mộc Châu cao hơn nhiều so với kỳ vọng.
Cụ thể, doanh thu của sữa Mộc Châu đạt 1.277 tỷ đồng, tăng trưởng 17,9%. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 268,3 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 21% từ 19% trong cùng kỳ năm ngoái nhờ giá sữa nguyên liệu giảm nhẹ.
Sức tăng trưởng của Mộc Châu cao hơn khá nhiều so với quy mô chung toàn ngành. Hiện công ty nắm khoảng 30% thị phần sữa nước ở các vùng nông thôn phía Bắc.
Tuy nhiên, việc tập trung tại miền Bắc cũng phát sinh một số vấn đề vốn thuộc đặc điểm ngành tiêu dùng như mùa hè lượng tiêu thụ lớn, mùa đông hoặc nếu trời mưa doanh số bán hàng sẽ giảm.
Do đó, sữa Mộc Châu buộc phải tiếp cận thị trường miền Nam để giải quyết vấn đề khí hậu, vụ mùa, tính ổn định sản phẩm. Nhiều khả năng công ty sẽ thâm nhập vào vào TP HCM và Đông Nam Bộ, khu vực nông thôn... Nhưng ông cũng thừa nhận, tiếp nhận thị trường mới sẽ gặp không ít khó khăn.
Xét về thị phần sữa tiệt trùng toàn quốc, Mộc Châu đang nắm 9%, mục tiêu tăng lên từ 12 – 15% trong thời gian tới. Để làm được điều đó, công ty sẽ tiếp tục thuê các chuyên gia tư vấn, xây dựng thương hiệu, đặc biệt kênh thương hiệu vào thị trường Miền Nam.
Công ty có kế hoạch xây thêm một nhà máy sữa, bởi 2 năm nữa, nhà máy sữa hiện tại của Mộc Châu sẽ hết công suất.
Ngoài ra, lãnh đạo công ty cũng mong muốn thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc. Được biết, Vinamilk, Nutifood, Anova Milk cũng đã tìm đường xuất khẩu sản phẩm của mình sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.
Khởi thuỷ là nông trường dùng để chăn nuôi bò sữa, Công ty Sữa Mộc Châu đã có lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển.
Trải qua những năm đầu gian khó, thậm chí sữa vắt ra không có người mua, Mộc Châu đã từng bước tăng trưởng. Đến nay, công ty đã sở hữu 23.000 con bò sữa, năng suất bình quân 25,22 kg/con/ngày.
Theo thống kê của Mộc Châu, mỗi năm, công ty thu được khoảng 250.000 tấn sữa tươi từ sữa bò tươi nguyên chất. Công ty đã đầu tư trang trại, nhà máy sản xuất chế biến hiện đại, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như tương đương các nước trên thế giới thuộc khối châu Âu và châu Mỹ.
Bên cạnh đó, trang trại chăn bò của Mộc Châu được chứng nhận VietGap và nhà máy chế biến cũng đã được chứng nhận ISO22000 -2005. Sản phẩm của hãng được xuất khẩu đi nhiều nước tên thế giới và đáp ứng yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.