Ngày pháp luật

Thị trường bán lẻ Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ sau EVFTA

Bảo Lan

Các nhà bán lẻ trong nước sẽ đứng trước thách thức liên quan đến tính quản lý chuyên nghiệp, lao động, công nghệ, đào tạo nhân sự…

 

Thị trường bán lẻ Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ sau EVFTA - Ảnh 1

 Ngày càng có nhiều thương hiệu nước ngoài hiện hữu tại thị trường Việt Nam.

Hiệp định EVFTA và EVIPA đã chính thức được Nghị viện Châu Âu thông qua. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, điều này sẽ mở ra rất hiều cơ hội kinh doanh không chỉ cho doanh nghiệp Việt Nam, mà doanh nghiệp khối EU cũng đang rất kỳ vọng Việt Nam sẽ là một thị trường mới của họ, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ.

Theo đánh giá của Tập đoàn Tư vấn Thị trường A.T Kearney (Mỹ) về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), Việt Nam là một trong số 30 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhiều năm liền. 

Trong khi đó, World Bank cũng đưa ra dự báo chi tiêu tại hộ gia đình của Việt Nam cũng sẽ tăng trung bình 10,5%/năm. Theo bà Võ Thị Phương Mai - Phó giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn và cho thuê BĐS bán lẻ CBRE Việt Nam, dân số Việt Nam hiện đang đạt hơn 95 triệu người, cơ cấu dân số trẻ với 60% dân số ở độ tuổi 18 – 50. Đây chính là triển vọng sáng cho ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới.

Thống kê mới nhất của CBRE cũng chỉ ra rằng, những năm gần đây Việt Nam không ngừng gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Doanh nghiệp trong và ngoài nước đều góp phần làm cho thị trường bán lẻ Việt Nam đang thay đổi và phát triển nhanh chóng.

Thị trường bán lẻ Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ sau EVFTA - Ảnh 2

 Thị trường bán lẻ Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ sau EVFTA

Bà Võ Thị Phương Mai cũng cho hay, trong vòng 3 năm tới, thị trường bán lẻ tại TP.HCM và Hà Nội đón nhận thêm lần lượt 450.000 m2 và 400.000 m2 diện tích bán lẻ, tức xấp xỉ 40% diện tích bán lẻ hiện hữu. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì nguồn cung tại Việt Nam vẫn được xem là hạn chế. Nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng dân số, đặc biệt là dân số trẻ và trung lưu của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất trong khu vực.

Báo cáo từ CBRE Việt Nam cũng cho thấy, trong năm 2020, thị trường Việt Nam không ngừng gia tăng các thương hiệu nước ngoài, trong đó, có các thương hiệu đến từ các nước châu Á Thái Bình Dương và các quốc gia Mỹ, Châu Âu. Khi Việt Nam chính thức được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA, khi lộ trình cắt giảm thuế các mặt hàng giữa Việt Nam và Châu Âu sẽ xóa bỏ tới 99% các loại thuế hiện hữu, thì sẽ có nhiều hơn các thương hiệu sẽ tiến vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, “EU sẽ đầu tư vào công nghệ chẳng hạn như nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm, viễn thông - công nghệ thông tin, kiến trúc - tư vấn kỹ thuật, dịch vụ môi trường, giúp không những tăng về lượng và còn tăng về chất cho sản phẩm tại Việt Nam (và ASEAN). Quyền lợi của các nhà đầu tư được cam kết đảm bảo hơn và điều này sẽ dự đoán tăng trưởng đầu tư vốn từ thị trường châu Âu. Những kỳ vọng kể trên có liên quan mật thiết đến các sản phẩm bán lẻ và kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng nguồn thu từ ngành bán lẻ” - đại diện CBRE Việt Nam cho hay.

Rõ ràng, các Hiệp ước mở cửa khuyến khích sự tham gia của các đơn vị bán lẻ nước ngoài. Điều này sẽ khiến thị trường ngày càng trở nên cạnh tranh. Các nhà bán lẻ trong nước sẽ đứng trước thách thức liên quan đến tính quản lý chuyên nghiệp, lao động, công nghệ, đào tạo nhân sự…

Vì vậy, khuyến cáo từ CBRE cho biết, các nhà bán lẻ trong nước nên có những chính sách hỗ trợ và có phần ưu tiên để tránh những áp lực, như: hỗ trợ tài chính, quy định tỷ lệ hàng nội địa tại các thị trường bán lẻ, hỗ trợ trong chuỗi kết nối phân phối sản phẩm nội địa, hỗ trợ về thuế. Kết hợp được những yếu tố này có thể đẩy mạnh vị thế của doanh nghiệp bán lẻ trong nước trong bối cảnh hội nhập đầy cơ hội và thách thức. 

Tin Cùng Chuyên Mục