Chiều 18/6, Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Trao đổi đầu cuộc họp, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT cho biết trong số 9 nội dung dự kiến được Thảo luận, HĐQT có tiến hành điều chỉnh nội dung tờ trình về kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2020, cụ thể là đưa ra mức chia cổ tức dự kiến 5-10%. Điều chỉnh này được thực hiện sau khi tiếp thu ý kiến của cổ đông Sojitz. Ban điều hành nhận thấy đây là mong muốn chính đáng của cổ đông và đủ điều kiện thực hiện.
Báo cáo về hoạt động của Ban Điều hành, bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc - đánh giá 2019 là năm ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn lớn với tình trạng nắng nóng kéo dài, khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng trên cả nước và vùng trọng điểm ĐBSCL. Thị trường xuất khẩu nông sản cũng gặp nhiều rào cản khi giá xuất khẩu luôn ở mức thấp. Trong bối cảnh đó, ban điều hành cũng như toàn tập đoàn đã có nhiều nỗ lực trong sản xuất kinh doanh. Doanh thu thuần tương đương năm trước đạt 7.813 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tuy vậy có sự sụt giảm, còn 452 tỷ đồng.
Việc các kết quả kinh doanh đạt 75-80% kế hoạch đề ra, theo nữ CEO chủ yếu do việc chưa hợp nhất được kết quả của CTCP Khử trùng Việt Nam (HoSE: VFG). “Nếu tính riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi thì tăng trưởng đạt 15%. Biên lợi nhuận gộp hợp nhất tăng từ 18% lên 21%. Đó là một kết quả rất rõ nét từ việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao”, bà Tổng giám đốc cho biết.
Riêng mảng phân phối mới thành lập, đại diện ban điều hành cho biết doanh thu 6 tháng hoạt động đã đạt 895,9 tỷ đồng, công ty kết thúc năm với đội ngũ bán hàng hơn 900 nhân viên, số lượng nhà phân phối và điểm bán tăng lần lượt là 23% và 18% so với thời điểm mới đi vào hoạt động (tháng 7/2019). Đây sẽ nền tảng vững chắc cho Công ty phát triển hoạt động phân phối sâu rộng hơn trong năm 2020 và các năm tới.
Tổng giám đốc Nguyễn Thị Trà My cho rằng việc biên lợi nhuận gộp hợp nhất tăng từ 18% lên 21% cho thấy kết quả rất rõ nét về việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm của PAN sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Chia sẻ trước phần thảo luận, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT - thẳng thắn nhìn nhận việc PAN chưa đạt kế hoạch kinh doanh 2019. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu nhìn vào những công việc đã làm được để phát triển tập đoàn trên 3 nền tảng Farm – Food – Family, thì đến nay, PAN đã có đủ nền tảng cho tương lai. Trong mảng Farm với nền tảng là Vinaseed, PAN Hulic và VFG thì tập đoàn đã có đủ khả năng phát triển.
Ở mảng Food với nền tảng Bibica (HoSE: BBC), công ty bánh kẹo hàng đầu Việt Nam, PAN cũng đã đạt được thỏa thuận với Lotte về việc nhận chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần BBC. Sau khi thương vụ này hoàn thành (trong khoảng 2-3 tháng nữa), PAN dự kiến sẽ tiến hành hợp nhất PAN Food với Bibica.
Mảng PAN Family nổi bật với việc thành lập công ty phân phối PAN CG năm ngoái. "Trước đây người ta thường nghĩ phân phối thì sẽ đốt tiền, nhưng riêng công ty này ngay từ năm đầu hoạt động đã có lãi", Chủ tịch PAN khẳng định. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, thành tích này có được là do công ty có sẵn nền tảng về phân phối, cộng với cách tổ chức và nắm bắt thị trường. Việc xác định cách làm "con nhà nghèo" cũng giúp PAN CG không lựa chọn con đường "đốt tiền" để giành thị phần. Thứ ba là việc quản lý dòng tiền tốt nhờ sự hỗ trợ của tập đoàn và SSI nên đã giúp mảng này có lợi nhuận. "Với cơ sở ban đầu có lãi, chúng ta có thể đạt kết quả tốt hơn khi mọi thứ đi vào ổn định", ông Hưng nói.
Trong sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, hiện công ty thành viên là Lafooco (HoSE: LAF) đã chuyển biến từ lỗ sang "lên được mặt nước", lợi nhuận tăng lên đáng kể và đơn hàng nhiều hơn. Gần đây, công ty đã kết hợp với các chuyên gia Sojitz để bán thêm sang Nhật Bản, có khả năng mở rộng thêm các ngành trái cây sấy, thậm chí là kết hợp với Shin Cà Phê.
Với thủy sản Aquatex Bentre (HoSE: ABT), ông Hưng cho rằng đây là công ty có nền tảng tài chính tương đối tốt nhưng lâu nay mới phát triển trong vùng an toàn, một phần vì cá là ngành khá rủi ro. Khi sản xuất khép kín và bắt đầu làm được hàng giá trị gia tăng để bán thị trường cao cấp hơn thì hướng đi thời gian tới của công ty sẽ tốt hơn rất nhiều.
Một đơn vị khác là Công ty nước mắm 584 Nha Trang hiện đã được PAN sở hữu 70% để giữ lại hình ảnh ngành nước mắm truyền thống. Lãnh đạo tập đoàn nhìn nhận đây là ngành không dễ dàng để mở rộng nhanh, song hiện doanh nghiệp đang bắt tay vào dự án mở rộng nhà máy ở Khánh Hòa, nơi cho phép phát triển những sản phẩm có khả năng xuất khẩu ra thế giới.
Cuộc họp ĐHĐCĐ của Tập đoàn PAN được thực hiện theo hình thức bán trực tuyến.
Một mảng quan trọng khác là kinh doanh nông sản. Hiện CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), thành viên tập đoàn đã có nhà máy nông sản để xuất khẩu. Nếu không có dịch thì doanh nghiệp đã có thể xuất bán sang Nhật. PAN và FMC dự kiến sẽ tách mảng này thành công ty riêng để xuất khẩu.
Với mảng kinh doanh cốt yếu là tôm, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng 2019 là năm nhiều khó khăn với ngành nhưng FMC vẫn vươn lên mạnh mẽ nhờ hoàn toàn tập trung vào hàng chất lượng cao. Khi xảy ra Covid-19, nhiều công ty tôm lớn giảm kế hoạch nhưng FMC vẫn tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng 7% cho năm nay. "Chúng ta dùng chế phẩm probiotic để nuôi tôm nên không bị dịch bệnh và giữ được chất lượng cao, hiệu quả kinh doanh ngành này ngày càng cao và chúng tôi có tính đến định hướng cạnh tranh ở thị trường Mỹ", Chủ tịch PAN cho biết.
Đặt kế hoạch doanh thu hơn 7.900 tỷ năm 2020, dự kiến chia cổ tức 5-10%
Trước những diễn biến và tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, thời tiết khắc nghiệt bất thường..., 2020 được Tập đoàn PAN đánh giá tiếp tục là một năm khó khăn với các lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, tập đoàn vẫn tiếp tục có nhiều điểm sáng nhờ các lợi thế cung cấp sản phẩm đa dạng cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu, thị trường nước ngoài phân bố tương đối đồng đều giữa các châu lục. Ngoài ra, việc chủ động được nguồn cung nhờ chuỗi giá trị khép kín giúp sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng không đình trệ.
Theo bà Nguyễn Thị Trà My, với những nền tảng đã gây dựng được, trong năm 2020, PAN sẽ tập trung vào các hoạt động chính như vận hành tối đa công suất trung tâm chế biến hạt giống và gạo tại Đồng Tháp, qua đó cung ứng giải pháp giống tối ưu cho thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu. PAN kỳ vọng doanh thu đóng góp từ trung tâm là 300 tỷ đồng cho năm 2020, hướng tới 700 – 800 tỷ đồng năm 2024.
Tập đoàn cũng sẽ tham gia phát triển chuỗi giá trị gạo bền vững thông qua R&D sản phẩm mới và chiếm lĩnh từng bước thị trường gạo đóng gói. PAN dự kiến hoàn thiện mở rộng vùng nuôi tôm rộng khoảng 100 ha, tiếp tục nâng cao tỷ lệ tôm tự nuôi tới 20%, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hướng tới thị trường EU rộng lớn qua hiệp định EVFTA.
Ở mảng hạt, tập đoàn sẽ phát triển sâu thêm năng lực chế biến, đưa tỷ lệ doanh thu hàng GTGT lên trên 80%. Phát triển các dòng sản phẩm mới như hoa quả sấy để tận dụng nguồn nguyên liệu và thị trường, khách hàng sẵn có. Mảng bánh kẹo của PAN, cùng lúc sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt các dòng bánh bông lan đang có nhu cầu cao trên thị trường, ở phân khúc cao cấp và có biên lợi nhuận tốt.
Theo Tổng giám đốc, tập đoàn cũng sẽ đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối, với tham vọng doanh thu đạt mốc 3.000 tỷ đồng năm 2020. Bên cạnh kênh bán hàng chủ lực GT, công ty tiếp tục mở rộng lực lượng bán hàng cho các kênh MT, xuất khẩu, key account, kênh B2B và online. Ở khía cạnh tài chính, Tập đoàn sẽ theo sát diễn biến thị trường để tận dụng các cơ hội hoàn thành hợp nhất VFG, cũng như M&A các công ty tiềm năng, phù hợp với triết lý kinh doanh và chiến lược của PAN.
Theo dự báo, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn dự kiến có thể hồi phục dần đến cuối năm khi tình hình dịch bệnh giảm bớt, giãn cách xã hội được nới lỏng và lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm bước vào các vụ kinh doanh chính.
Với các ảnh hưởng kép đến ngành nông nghiệp, tập đoàn đề ra kế hoạch doanh thu thuần tăng nhẹ 1% lên 7.918 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 305 tỷ đồng. Tập đoàn dự kiến mức chi trả cổ tức bằng tiền năm 2020 khoảng 5-10%. Tỷ lệ và thời gian thực hiện cụ thể sẽ do HĐQT căn cứ tình hình thực tế quyết định.
Đại diện cổ đông nước ngoài tham dự cuộc họp.
Ngoài ra công ty cũng tiến hành bầu bổ sung một thành viên HĐQT đối với ông Manabu Ueda, sinh năm 1972. Hiện ông là Giám đốc điều hành, Phòng phát triển kinh doanh khu vực Việt Nam của Sojitz Corporation. Ông Ueda sẽ thay thế một đại diện khác của cổ đông Sojitz là ông Miyabe Toshiaki.
Phần thảo luận
- Lãnh đạo công ty có thể nhận định tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm? Các bước đi chiến lược của doanh nghiệp là gì?
- Ông Nguyễn Duy Hưng: Đây là một vấn đề rất khó mà nhiều người không thể dự đoán được. Với vai trò là người sản xuất kinh doanh thì tôi nhìn thấy đủ thứ khó khăn. Thứ nhất là biên giới các nước đóng cửa làm khó khăn trong xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng khó, nhu cầu tiêu thụ ở các nước cũng giảm. Thứ hai là biến đổi khí hậu như ngập mặn, hạn hán, thời tiết không ủng hộ thì rất khó làm nông nghiệp.
Chúng tôi đã nhìn nhận lại các vấn đề và kế hoạch năm nay đã có tính toán chặt chẽ hơn, tôi nghĩ có thể hoàn thành được kế hoạch. Hoạt động nông nghiệp thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố, do đó đây là kế hoạch cần sự nỗ lực lớn và sự đóng góp của nhiều công ty thành viên.
Trên đời này khó nhất là đầu tư nông nghiệp, chậm nhất cũng là đầu tư vào nông nghiêp. Tính chất thời vụ ảnh hưởng rất lớn đến ngành này. Chúng ta đã làm được những nền tảng tốt như trở thành số 1 trong ngành giống, sở hữu hơn 50% công ty cung cấp vật tư nông nghiệp… Sở hữu nhiều công ty thành viên lớn như thế thì nếu tập đoàn khác muốn làm phải bỏ rất nhiều tiền mới có được nền tảng lớn như thế.
Đây là năm cực kỳ khó khăn với ngành nông nghiệp, tuy nhiên Tập đoàn PAN vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong ngành này và hy vọng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông.
- Ông có thể đánh giá việc chia cổ tức tiền mặt ảnh hưởng đến tài chính công ty?
- Trước đây chúng tôi để dành nguồn lực để các công ty thành viên phát triển. Năm nay chúng tôi yêu cầu có bao nhiêu lợi nhuận nên chia về tập đoàn. Công ty là tài sản của cổ đông và việc quyết định như thế nào đều do cổ đông. Tôi cũng là cổ đông và cũng mong muốn chia cổ tức, nhưng ở vai trò lãnh đạo doanh nghiệp thì việc chia cổ tức có thể ảnh hưởng đến một vài cơ hội đầu tư.
HĐQT ban đầu dự kiến không chia cổ tức tiền mặt năm 2020 để tập trung nguồn lực cho phát triển. Tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ nguyện vọng chia cổ tức. Nguyện vọng đó chính đáng và điều kiện tài chính cho phép nên chúng tôi thay đổi, đề xuất 5-10%, giao HĐQT quyết định mức và thời gian cụ thể. Còn tài chính (để đầu tư phát triển) thì có thể có nhiều cách, có thể huy động thêm hoặc đi vay. Lượng tiền còn lại của tập đoàn hiện giữ để M&A, đầu tư mở rộng các nhà máy hoặc vùng nuôi, chuẩn bị cho các cơ hội khác nếu có, tăng thêm sở hữu các đơn vị thành viên…
Chúng tôi luôn cam kết các hoạt động của Tập đoàn đều minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông, các giao dịch của PAN cực kỳ rõ ràng và kiểm toán Big4 sẽ kiểm soát.
- Vì sao không mua hết cổ phiếu quỹ đã đăng ký?
- Không mua hết vì chúng tôi không mua bằng mọi giá, mà chỉ mua có giới hạn ở mức giá khoảng 23.000 đồng/cp. Ở thời điểm mua thì thanh khoản cũng không quá nhiều.
- Khoản đầu tư VFG định hướng như thế nào?
- Để sản xuất nông nghiệp thì phải có thuốc bảo vệ thực vật và phải tuân thủ theo các quy định. PAN hướng đến mức tuân thủ cao nhất và tiêu chuẩn cao nhất. Đây là chúng ta tích hợp hệ thống phân phối chứ VFG không phải nhà sản xuất. Đó cũng là sứ mệnh nâng tầm nông nghiệp Việt. Khi chúng tôi nói chuyện với VFG thì các bên đồng thuận rất cao về định hướng phát triển.
-----------------
Kết thúc cuộc họp ĐHĐCĐ, tất cả các tờ trình đều được thông qua.