Ngày pháp luật

Thế giới di động đuối sức trước FPT Rentail trong “cuộc chiến” dược phẩm

Quỳnh Chi

Nhìn vào số lượng lẫn doanh thu của nhà thuốc Long Châu (FPT Rentail – FRP), ai cũng có thể thấy rõ thương hiệu An Khang của Thế giới di động (MWG) đang bị hít khói ở khoảng các khá xa.

“Cơn bão” mau tan

Là một thị trường màu mỡ có quy mô lên tới 8 tỷ USD, tất nhiên có không ít ông lớn cảm thấy thèm thuồng trước miếng bánh ngành dược này dù phải cạnh tranh với khoảng 60.000 nhà thuốc truyền thống và các hộ kinh doanh các thể. Với các ngành kinh doanh đã dần bão hòa của mình, MWG chắc chắn không thể bỏ qua một thị trường đầy tiềm năng nhưng ít đối thủ mạnh.

Được MWG mua lại vào năm 2017 với tên gọi trước đó là chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, cho đến năm 2021, thương hiệu nhà thuốc An Khang vẫn còn khá mờ nhạt so với các mảng khác như điện thoại, điện máy của Thế giới di dộng. Nhưng đến 2022, có thể nói ông lớn này đã tạo ra một cơn bão khi mở liên tiếp các nhà thuốc An Khang trên cả nước, tăng số lượng từ 178 (cuối 2021) lên tới 529 điểm bán. Sự phát triển như vũ bão này cũng được MWG chăm chút cẩn thận từ nhận diện thương hiệu, mô hình thiết kế và số lượng sản phẩm.

“Cơn bão” màu xanh của An Khang có vẻ đã tan sớm  
“Cơn bão” màu xanh của An Khang có vẻ đã tan sớm  

Với mục tiêu chiếm lĩnh top đầu trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, MWG đã vạch kế hoạch mở tới 2.000 nhà thuốc trên cả nước, “phủ xanh” toàn quốc bằng thương hiệu của nhà thuốc An Khang. Nhưng cơn bão này lại mau tan khi đến tháng 9/2022, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III, MWG đã quyết định dừng mở mới các chuỗi từ quý IV/2022, trong đó có An Khang. Đáng nói, không chỉ ngừng mở mới mà đến cuối 2022, số lượng nhà thuốc An Khang còn bị thu hẹp lại còn 500 cửa hàng trên cả nước. Nguyên nhân được chỉ ra là do bất lợi từ thị trường, chi phí tăng, chuỗi cung ứng…

Mặc dù được đầu tư phát triển nhiều năm, nhưng cho đến nay thương hiệu nhà thuốc An Khang này vẫn chưa đem lại nhiều lợi nhuận cho MWG. Theo đó, tính lũy kế cả năm 2022, An Khang chỉ đem về cho MWG doanh thu 1.500 tỷ đồng, một con số quá nhỏ khi so sánh với tổng doanh thu 140.000 tỷ đồng của cả tập đoàn.

“Nhà vô địch” lộ diện

Dù ra đời từ rất sớm nhưng cái tên Long Châu dường như vẫn chưa được nhiều người biết đến vào thời điểm trước năm 2022 khi so sánh với An Khang hay Pharmacity. Thậm chí vào tháng 3/2022, quy mô của nhà thuốc Long Châu chỉ bằng một nửa so với Pharmacity với khoảng hơn 400 cửa hàng.

Nhưng ít ai ngờ, với sự đầu tư mạnh mẽ, Long Châu đã bứt tốc và chuẩn bị chiếm được ngôi vương trong lĩnh vực bán lẻ dược. 2/12/2022, Long Châu đã chính thức khai trương cửa hàng thứ 1.000, một sự bứt tốc ngoạn mục chỉ sau một năm.

Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail kiêm Tổng giám đốc FPT Long Châu - cho biết việc nhanh chóng đạt độ phủ 1.000 nhà thuốc ở 63 tỉnh, thành trên toàn quốc trong thời gian khá ngắn một phần là nhờ kinh nghiệm bán lẻ từ công ty mẹ là FPT Retail và sự hậu thuẫn “số hóa” từ Tập đoàn FPT, đặc biệt là FPT Software trong công tác quản trị vận hành để có thể nhân rộng mô hình kinh doanh với tốc độ cao.

Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính cuối năm của FPT cho thấy, số lượng cửa hàng Long Châu có doanh thu chỉ là 937, một khoảng cách không còn xa với con số sau khi thu hẹp còn 959 nhà thuốc của Pharmacity.

Cửa hàng thứ 1.000 của Long Châu  
Cửa hàng thứ 1.000 của Long Châu  

Mặc dù thua không nhiều về con số, nhưng nhìn nhận vào thực tế hiệu quả hoạt động, Long Châu đang cho thấy sự đầu tư đúng đắn của FPT khi đã đem về lãi lớn cho tập đoàn từ năm 2021. Doanh thu của Long châu liên tục tăng vọt kể từ khi được đầu tư mạnh mẽ, đạt 9.596 tỷ đồng vào năm 2022, gấp 2,4 lần năm 2021. Nhờ đó mà Long Châu đang trở động lực tăng trưởng mới của FPT Retail, khi mà doanh thu chuỗi bán lẻ điện tử FPT Shop chỉ tăng 11% so với năm ngoái.

Trong khi Long Châu đã đem về lợi nhuận, những ông lớn khác vẫn đang theo đuổi chiến lược “đốt tiền” để mở rộng quy mô. Theo báo cáo tìm kiếm của trình duyệt Cốc Cốc năm 2022, trong số các nhà thuốc online hàng đầu tại Việt Nam, Long Chấu có lưu lượng truy cập có tốc độ tăng trưởng lớn thứ hai thị trường, với 150,22%, bỏ xa các ông lớn khác như An Khang, Pharmacity, Nhà thuốc Việt…

Có thể thấy, sau khi mảng bán lẻ công nghệ có dấu hiệu bão hoà, FPT Retail đặt nhiều kỳ vọng vào mảng dược phẩm bởi đây vẫn là thị trường rất tiềm năng ở Việt Nam. Báo cáo của Fitch Solutions cho biết, doanh thu từ dược phẩm tại Việt Nam đạt 143.000 tỷ đồng vào năm 2021. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 155.800 tỷ đồng vào năm 2022 và đạt 216.400 tỷ đồng vào năm 2026.

Để thêm lực đẩy cho chuỗi dược phẩm, FPT Retail cũng mới thông qua quyết định HĐQT về việc góp thêm vốn vào công ty con – CTCP Dược phẩm FPT Long Châu với số tiền dự kiến là 225 tỷ đồng, qua đó nâng số vốn góp vào Long Châu lên 450 tỷ đồng, tương ứng mức sở hữu 89,83%. Trước đó, công ty cũng đã góp tổng cộng 225 tỷ đồng vào chuỗi nhà thuốc này, chiếm 85,07% vốn điều lệ.

Nhìn vào các số liệu nói trên, có thể thấy Long Châu đang dần bước tới ngôi vương trong ngành bán lẻ dược, nhưng trong bối cảnh kinh tế năm 2023 vẫn có một đám mây đen mang tên “suy thoái” đang lơ lửng thì kết quả của cuộc đua này vẫn còn nhiều biến số chưa thể định đoán.

Tin Cùng Chuyên Mục